Vì sao TP.HCM kiến nghị Trung ương tăng xe công cho địa phương?

Sự kiện - Ngày đăng : 19:29, 26/05/2022

UBND TP.HCM cho biết khối lượng, áp lực giải quyết hồ sơ công việc đối với TP và các cơ quan chuyên môn rất lớn nên cần phải có thêm nhiều xe công.

UBND TP.HCM ngày 25.5 đã có văn bản khẩn gửi Bộ Tài chính, đề nghị bộ này xem xét trình Chính phủ chấp thuận cho TP được áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô phục vụ công tác chung.

Cụ thể, tối đa không quá 2 xe ôtô/đơn vị (thay vì 1 xe theo Nghị định 04/2019 của Chính phủ) đối với các sở, ban, ngành UBND các quận và các tổ chức tương đương thuộc UBND TP.HCM.

Riêng đối với Văn phòng UBND TP.HCM được áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô phục vụ công tác chung là 4 xe (thay vì 3 xe theo Nghị định 04/2019).

Đối với Văn phòng HĐND và UBND TP.Thủ Đức và 5 huyện tối đa là 3 xe ôtô/đơn vị (thay vì 2 xe ôtô/đơn vị theo Nghị định 04/2019).

Việc này nhằm bảo đảm các sở ban ngành, UBND TP.Thủ Đức và quận huyện trên địa bàn TP.HCM có đủ phương tiện để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại địa phương.

Nêu lý do có đề nghị trên, UBND TP.HCM cho biết khi thực hiện Nghị định 04/2019, địa phương gặp nhiều khó khăn.

Khối UBND TP.Thủ Đức và quận huyện, giai đoạn trước khi thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố; Nghị quyết 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP HCM có 24 quận, huyện nên Văn phòng HĐND và UBND 24 quận huyện tối đa 48 xe (2 xe mỗi đơn vị), các đơn vị trực thuộc quận huyện không được trang bị.

Giai đoạn sau khi thực hiện Nghị quyết 131, Nghị quyết 1111, từ ngày 1.7.2021, TP.HCM có 22 đơn vị gồm UBND TP.Thủ Đức và 21 quận huyện, trong đó Văn phòng UBND 16 quận được bố trí mỗi đơn vị tối đa 1 xe; Văn phòng HĐND và UBND TP.Thủ Đức và 5 huyện được bố trí mỗi đơn vị tối đa 2 xe; các đơn vị trực thuộc TP.Thủ Đức và quận huyện không được bố trí.

Đối với khối Văn phòng cấp tỉnh, sở, ban, ngành và tổ chức chính trị xã hội, Văn phòng UBND TP.HCM tối đa 3 xe; Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM tối đa 4 xe; các sở, ban, ngành và tổ chức tương đương tối đa một xe/đơn vị; các đơn vị thuộc, trực thuộc Văn phòng UBND TP.HCM, sở, ban, ngành và tổ chức tương đương không được trang bị xe ôtô.

Trong khi đó, UBND TP.HCM cho biết khối lượng, áp lực giải quyết hồ sơ công việc đối với TP và các cơ quan chuyên môn rất lớn. Để giải quyết công việc nhanh chóng đòi hỏi các đơn vị phải tổ chức các buổi hội họp để trao đổi, thống nhất; kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, giám sát tình hình thực hiện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…

Hiện nay, cơ cấu trong tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc TP.HCM gồm 1 Giám đốc, không quá 4 Phó giám đốc (khối sở ban ngành); 1 Chủ tịch và 3 Phó chủ tịch (khối quận) trong khi theo tiêu chuẩn, định mức một đơn vị chỉ có 1 xe ôtô sẽ không đảm bảo phục vụ nhiệm vụ công tác của đơn vị.

Có khi trong cùng một ngày, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện phải có mặt tham dự ở nhiều nơi khác nhau nên cần xe công để di chuyển, nếu không kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông của TP còn hạn chế, quá tải do mật độ phương tiện cá nhân đông nên việc đi lại bằng phương tiện công cộng hoặc sử dụng dịch vụ thuê xe bên ngoài sẽ không đáp ứng được kịp thời, mất thời gian điều tiết xe. Đặc biệt là không đảm bảo yêu cầu an ninh khi tác nghiệp trong khu vực hạn chế xe dân sự.

Hiện Chính phủ cũng đang giao Bộ Tài chính khẩn trương tổ chức tổng kết, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 04/2019, làm rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập; trên cơ sở đó tổng hợp, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp để đáp ứng nhu cầu công tác, đúng quy định hiện hành.

Tú Viên