Nhiễm COVID-19 đột phá có thể ít lây lan hơn, hiệu quả của vắc xin giảm ở bệnh nhân ung thư

Thông tin Y học - Ngày đăng : 09:40, 27/05/2022

Nhiễm COVID-19 đột phá ít lây lan hơn hay hiệu quả của vắc xin giảm nhanh hơn ở những bệnh nhân ung thư là những nghiên cứu mới được công bố gần đây.

Nhiễm COVID-19 đột phá có thể ít lây lan hơn

Một nghiên cứu nhỏ từ Hàn Quốc cho thấy những người được tiêm chủng đầy đủ bị nhiễm COVID-19 sẽ lây lan bệnh cho ít người hơn và lây nhiễm trong thời gian ngắn hơn so với những người chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không được tiêm chủng.

Trong 173 ca mắc COVID-19 phải nhập viện, bao gồm 50 người đã bị nhiễm COVID-19 đột phá, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 7% trong nhóm người được tiêm chủng đã lây nhiễm vi rút sang những người khác trong bệnh viện so với 26% trong nhóm không được tiêm chủng, mặc dù cả hai nhóm có tải lượng vi rút tương đương nhau.

Trong một nhóm riêng biệt gồm 45 người bị COVID-19 triệu chứng nhẹ đang được cách ly, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy sự phát tán của các hạt vi rút lây nhiễm trong 4 ngày ở 6 người đã được tiêm chủng đầy đủ, 8 ngày ở 11 người chưa tiêm chủng đầy đủ và 10 ngày ở 28 người chưa được tiêm chủng. Tất cả các bệnh nhân này đều mắc COVID-19 trước khi biến thể Omicron bùng phát, các nhà nghiên cứu đã lưu ý trên tạp chí JAMA Netwwork Open.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Dữ liệu từ nghiên cứu này cung cấp bằng chứng quan trọng cho tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn cực kỳ hữu ích để kiểm soát sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2". 

Sự bảo vệ của vắc xin COVID-19 giảm nhanh hơn ở bệnh nhân ung thư

Theo một nghiên cứu lớn, vắc xin phòng COVID-19 có hiệu quả với hầu hết bệnh nhân ung thư, nhưng ít hơn so với dân số chung và hiệu quả giảm nhanh hơn.

Khi biến thể Delta chiếm ưu thế ở Anh, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 377.194 người mắc bệnh ung thư và hơn 28 triệu người không mắc bệnh. Sau hai liều vắc xin Pfizer hoặc AstraZeneca, hiệu quả tổng thể của vắc xin chống lại nhiễm bệnh là 69,8% ở những người bình thường nói chung và chỉ thấp hơn một chút, ở mức 65,5%, đối với bệnh nhân ung thư, các nhà nghiên cứu cho biết trên tạp chí The Lancet Oncology. Tuy nhiên, từ 3-6 tháng sau, hiệu quả của vắc xin là 61,4% trong những người bình thường nói chung nhưng đã giảm xuống 47% ở nhóm người mắc ung thư.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hai loại vắc xin này có hiệu quả 83,3% chống lại việc nhập viện vì COVID-19 và 93,4% chống tử vong ở những bệnh nhân ung thư, nhưng khả năng bảo vệ này cũng suy yếu trong vòng 3-6 tháng.

Hiệu quả của vắc xin thấp nhất và suy yếu nhanh nhất ở những người bị ung thư hạch hoặc bệnh bạch cầu. Ở những bệnh nhân ung thư đã được hóa trị hoặc xạ trị trong 12 tháng qua, hiệu quả của vắc xin thấp hơn và suy yếu nhanh hơn so với những bệnh nhân ung thư không được điều trị.

"Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình tiêm chủng tăng cường và khả năng tiếp cận nhanh chóng với phương pháp điều trị COVID-19 cho những người đang điều trị ung thư", trưởng nhóm nghiên cứu Peter Johnson của Đại học Southampton (Anh) cho biết trong một tuyên bố.

Đan Thùy