Người dân Litva làm điều chưa từng có, góp tiền mua máy bay không người lái quân sự cho Ukraine

Quốc tế - Ngày đăng : 17:48, 28/05/2022

Hàng trăm người Litva đang cùng nhau đóng góp tiền để mua một máy bay không người lái quân sự tiên tiến cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga, nhằm thể hiện tình đoàn kết với quốc gia này.

Khoảng 3 triệu euro (3,2 triệu USD) đã được huy động chỉ trong 3 ngày - trong số 5 triệu euro cần thiết, theo Laisves TV, đài truyền hình internet Litva đã phát động chương trình này.

"Trước khi cuộc chiến này bắt đầu, không ai trong chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ mua vũ khí. Thế nhưng bây giờ đó là điều bình thường. Phải làm gì đó để thế giới trở nên tốt đẹp hơn", Agne Belickaite, 32 tuổi, người đã gửi 100 euro ngay khi gây quỹ được phát động vào ngày 25.5.

"Tôi đã quyên góp để mua vũ khí cho Ukraine và sẽ làm như vậy cho đến khi chiến thắng", Agne Belickaite nói với Reuters, tiết lộ thêm rằng bà bị thúc đẩy một phần vì lo ngại Litva có thể chung cảnh ngộ như Ukraine.

Máy bay không người lái chứng tỏ có thể gây khó dễ cho các lực lượng Nga và đồng minh của họ trong các cuộc xung đột ở Syria và Libya.

Việc mua máy bay không người lái quân sự đang được điều phối bởi Bộ Quốc phòng Litva. Bộ Quốc phòng Litva nói với Reuters rằng có kế hoạch ý định mua máy bay không người lái từ Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới.

Ukraine đã mua hơn 20 máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB2 từ công ty Baykar (Thổ Nhĩ Kỳ) những năm gần đây và đặt hàng thêm 16 chiếc nữa vào ngày 27.1.2022. Lô hàng đó đã được giao vào đầu tháng 3.2022.

"Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử người dân bình thường quyên tiền để mua một thứ như Bayraktar. Điều đó là chưa từng có, thật không thể tin được", Beshta Petro, Đại sứ Ukraine tại Litva, nói với Laisves TV.

Hầu hết vũ khí hạng nặng mà các nước NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) gửi cho Ukraine đến nay là vũ khí do Liên Xô chế tạo vẫn còn trong kho của các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu. Thế nhưng, một số nước gần đây đã bắt đầu cung cấp đại bác nòng ngắn phương Tây cho Ukraine.

Bà Agne Belickaite cho biết: “Trong khi chính phủ của các quốc gia lớn nhất thế giới đang cân nhắc không ngừng, người dân Litva chỉ đơn giản là xích lại gần nhau và sắp gây đủ quỹ 5 triệu euro để mua máy bay không người lái - đó là một thông điệp ấn tượng với thế giới”.

nguoi-dan-litva-lam-dieu-chua-tung-co-gop-tien-mua-may-bay-khong-nguoi-lai-quan-su-cho-ukraine22.jpg
Agne Belickaite tạo dáng bên bức tranh graffiti sau khi quyên góp 100 euro để mua một máy bay không người lái quân sự cho Ukraine ngày 27.5 - Ảnh: Reuters
nguoi-dan-litva-lam-dieu-chua-tung-co-gop-tien-mua-may-bay-khong-nguoi-lai-quan-su-cho-ukraine1.jpg
Máy bay chiến đấu không người lái Bayraktar Akinci được trưng bày tại lễ hội hàng không và công nghệ Teknofest ở thủ đô Baku, Azerbaijan ngày 27.5 - Ảnh: Reuters

Hôm 26.5, nhiều hãng tin cho biết Mỹ có thể đưa ra quyết định gửi các hệ thống rocket được mô tả là “vũ khí thay đổi cuộc chơi” cho Ukraine ngay trong tuần tới.

Theo CNN, chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể thông báo kế hoạch chuyển giao các bệ phóng rocket đa nòng tầm xa MLRS và HIMARS cho Ukraine trong tuần tới.

Hệ thống rocket đa nòng M270 (MLRS) và hệ thống pháo cơ động cao M142 (HIMARS) là hai phiên bản của hệ thống pháo phản lực do Mỹ sản xuất, có thể bắn cùng loại rocket.

Tùy thuộc vào loại đạn được sử dụng, chúng có thể có tầm bắn lên tới 500 km. Trong đó, MLRS là hệ thống bánh xích nặng hơn, mang được số lượng rocket nhiều gấp đôi so với HIMARS gắn trên hệ thống bánh lốp.

Các quan chức Ukraine đã liệt kê cả hai hệ thống này trong số những vũ khí mà họ muốn Mỹ và các đồng minh cung cấp để chống lại Nga. Ukraine đã sở hữu các bệ phóng rocket Grad và Uragan nhưng kỳ vọng vũ khí của Mỹ sẽ mang lại lợi thế cho họ trên chiến trường.

Theo nguồn tin của CNN, Mỹ "miễn cưỡng cung cấp pháo phản lực cho Ukraine" vì lo ngại rằng Ukraine có thể sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.

Nga cho rằng Ukraine thực hiện một số cuộc tấn công bằng đạn pháo và trực thăng nhằm vào lãnh thổ nước này trong vài tuần qua. Các quan chức Mỹ được cho là lo ngại rằng Nga sẽ coi việc chuyển giao MLRS và HIMARS cho Ukraine là "hành động khiêu khích lớn". Ngoài ra, các hệ thống vũ khí này dự kiến được bàn giao cho Ukraine từ kho dự trữ của Mỹ vốn bị giới hạn.

Ngày 19.5, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ khẩn cấp về quân sự, kinh tế và nhân đạo lớn nhất từ trước đến nay cho Ukraine.

Gói viện trợ này trị giá 40 tỉ USD, cao hơn con số 33 tỉ USD mà Tổng thống Biden đề xuất, được thông qua với 86 phiếu thuận và 11 phiếu chống. Tất cả thành viên đảng Dân chủ ủng hộ dự luật này, trong khi 11 thành viên đảng Cộng hòa không đồng tình.

Khoản này dự kiến hỗ trợ Ukraine trong 5 tháng tới, với 6 tỉ USD hỗ trợ an ninh, bao gồm các chương trình đào tạo, cung cấp thiết bị, vũ khí; 8,7 tỉ USD bổ sung kho thiết bị Mỹ gửi đến Ukraine và 3,9 tỉ USD hỗ trợ các hoạt động của Bộ Chỉ huy châu Âu (EUCOM).

Gói viện trợ cũng cung cấp gần 9 tỉ USD cho quỹ hỗ trợ kinh tế Ukraine, khoảng 900 triệu USD hỗ trợ dân tị nạn nước này và 5 tỉ USD giải quyết tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu do xung đột.

Ngoài ra, gói này ủy quyền thêm 11 tỉ USD cho Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), cho phép Tổng thống Biden thực hiện chuyển hàng hóa và dịch vụ từ kho hàng của Mỹ mà không cần sự chấp thuận của quốc hội để đối phó với trường hợp khẩn cấp.

"Tôi hoan nghênh Quốc hội đã gửi thông điệp rõ ràng từ lưỡng đảng đến thế giới rằng người dân Mỹ sẽ sát cánh cùng dân Ukraine trong quá trình bảo vệ nền dân chủ và tự do", Tổng thống Biden cho biết.

Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky đã gửi lời cảm ơn tới ông Biden, khẳng định 40 tỉ USD là sự đóng góp đáng kể nhằm khôi phục hòa bình và an ninh ở Ukraine, châu Âu và thế giới. "Đây là minh chứng cho sự lãnh đạo mạnh mẽ, cũng như là đóng góp cần thiết để bảo vệ tự do chung của chúng ta", ông Volodymyr Zelensky phát biểu.

Khi được ông Biden ký thành luật, gói này sẽ nâng tổng viện trợ của Mỹ phê duyệt cho Ukraine lên hơn 50 tỉ USD kể từ khi cuộc chiến nổ ra ngày 24.2.

Hôm 27.5, Bộ trưởng Ngoại giao Nga - Sergey Lavrov cáo buộc hành vi hiện tại của các nước phương Tây như "cuộc chiến tổng lực với Nga".

"Các nước phương Tây đang tăng gấp đôi, gấp ba và gấp bốn lần nỗ lực của họ để ngăn chặn Nga. Họ sử dụng một loạt công cụ, từ các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương đến tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông toàn cầu. Phương Tây đã tuyên bố chiến tranh tổng lực chống lại chúng tôi, chống lại toàn bộ nước Nga. Bây giờ, không ai che giấu sự thật đó", ông Sergey Lavrov nói trong cuộc họp với những người đứng đầu các khu vực ở Nga.

Sơn Vân