Lo ngại Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo
Quốc tế - Ngày đăng : 08:00, 29/05/2022
Động thái hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường của Ấn Độ trước đó gây chấn động thị trường toàn cầu, đánh dấu bước leo thang trong chủ nghĩa bảo hộ lương thực hiện tại.
Một hạn chế tương tự với gạo vào thời điểm giá lúa mì và ngô cao ngất ngưởng có thể đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh đói cũng như đe dọa làm tăng lạm phát. Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới.
Theo chuyên gia kinh tế Ms Radhika Piplani thuộc ngân hàng Yes: “Chính phủ đã áp đặt hạn chế với lúa mì và đường, hạn chế với gạo được cân nhắc đến chỉ là vấn đề thời gian. Thách thức đặt ra là liệu loạt hạn chế này có giúp kéo giảm giá thực phẩm đúng lộ trình hay không”.
Một nguồn thạo tin tiết lộ tình hình dự trữ gạo đã được thảo luận trong cuộc họp của một ủy ban liên bộ chuyên theo dõi giá cả các mặt hàng thiết yếu. Ủy ban quyết định trước mắt không cần thiết phải hạn chế xuất khẩu vì Ấn Độ có lượng hàng tồn kho rất lớn.
Tuy nhiên, giáo sư Poornima Varma thuộc Trung tâm Quản lý nông nghiệp (Viện Quản lý Ấn Độ) nhận định gạo vẫn có khả năng bị hạn chế xuất khẩu: “Chính phủ có thể cảm thấy cần phải thay thế lúa mì bằng gạo để kiềm chế lạm phát trong nước và bảo vệ an ninh lương thực”.
Gạo có quan hệ mật thiết với lúa mì trong chế độ ăn uống của người Ấn Độ cũng như hệ thống khẩu phần lương thực quốc gia.
Lượng lúa mì chính phủ Ấn thu mua phục vụ chương trình viện trợ lương thực dự kiến ít đi hơn 50% so với năm ngoái. Giới chức nước này dự định phân phát nhiều gạo hơn, cường quốc Nam Á hiện dự trữ đủ gạo và giá cả khá ổn định.
Chuyên gia kinh tế Shirley Mustafa thuộc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc nói: “Lượng gạo dự trữ đủ đáp ứng nhu cầu phân phối nội địa, ngay cả khi khẩu phần gạo tăng lên vì tình hình lúa mì hiện tại”.
Gạo là loại ngũ cốc giúp khủng hoảng lương thực toàn cầu không trở nên tồi tệ hơn. Không như lúa mì hay ngô tăng giá chóng mặt kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, giá gạo vẫn giảm do sản lượng lẫn lượng dự trữ dồi dào.
Nhưng tình hình sẽ thay đổi nếu Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu gạo. Động thái này có thể thúc đẩy các quốc gia khác làm điều tương tự. Châu Á sản xuất và tiêu thụ khoảng 90% gạo, trong đó Ấn Độ chiếm 40% thương mại toàn cầu.
Chủ tịch Hiệp hội Các đơn vị xuất khẩu gạo Ấn Độ B.V.Krishna Rao đánh giá: “Nguồn cung gạo trong nước dồi dào nên không cần ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu. Nếu chính phủ muốn áp đặt hạn chế thì đó là một động thái chính trị và thương mại sẽ được hoan nghênh vì lợi ích quốc gia”.
Giới chức kinh tế dưới quyền Thủ tướng Narendra Modi đang cố gắng giải quyết lạm phát, tìm cách làm chậm tốc độ tăng giá và giảm bớt tác động đến người tiêu dùng. Lạm phát - hiện ở mức cao nhất trong 8 năm - là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị, có thể ảnh hưởng đến kết quả các cuộc bầu cử.
Nhà kinh tế Suvodeep Rakshit thuộc công ty nghiên cứu thị trường Kotak Institutional Equities cho rằng quyết định có hạn chế xuất khẩu gạo hay không tùy thuộc vào giá cả cũng như thời tiết thời gian tới.
Lúa sắp gieo sạ, sản lượng phụ thuộc thời tiết. Nếu gió mùa thất thường và giá gạo tăng thì có khả năng xuất khẩu bị hạn chế, theo nhà kinh tế Rakshit.