Kiểm toán Nhà nước có ý kiến về 3 dự án cao tốc phía Nam
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:42, 29/05/2022
Về cơ bản, KTNN nhất trí với Chính phủ về chủ trương đầu tư các dự án nhưng cần làm rõ một số vấn đề.
Về tổng mức đầu tư dự án, ba dự án cao tốc có tổng mức đầu tư khoảng 84.463 tỉ đồng. KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và cơ quan liên quan tính toán, rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư. Trong đó phải lưu ý đến biến động của các loại vật tư, vật liệu, nhiên liệu…
KTNN cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan và các địa phương có dự án đi qua khi khảo sát thiết kế cần điều tra, xác định chất lượng, trữ lượng, điều kiện khai thác của các mỏ vật liệu. Việc này phải đánh giá đầy đủ, chặt chẽ, tính đến việc đáp ứng nhu cầu xây dựng không chỉ cho các dự án mà cho tổng nhu cầu trong thời gian thực hiện dự án, tránh những bất cập như trong quá trình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 vừa qua.
Ngoài ra, một số nguồn tiền dự kiến phân bổ cho dự án chưa có đủ cơ sở xác định. Vì vậy, KTNN đề nghị để đảm bảo đầy đủ điều kiện trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Chính phủ cần rà soát lại các phương án bố trí vốn, xác định cơ sở cân đối các nguồn vốn cho dự án…”
Đối với tiến độ dự án, KTNN nhận định việc đặt ra tiến độ dự án Biên Hòa - Vũng Tàu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025; dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cơ bản hoàn thành vào 2026 là khó khả thi nếu không có các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Để dự án đảm bảo tiến độ, KTNN đề nghị Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện việc điều phối chung các dự án thành phần để đảm bảo tính thống nhất trong triển khai thực hiện dự án. Bộ GTVT cũng phải trực tiếp thực hiện dự án thành phần có yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, công nghệ và đi qua hai địa phương.
Đặc biệt các cấp chính quyền địa phương phải có các giải pháp chỉ đạo, điều hành và có các cam kết gắn trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ của dự án theo đúng thời gian phê duyệt
Về phương án phân chia dự án thành phần và giao cho địa phương xây dựng, KTNN cho rằng Chính phủ cần đánh giá năng lực của các địa phương tham gia thực hiện dự án, cần phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của Bộ GTVT với các cơ quan liên quan, các địa phương tại từng bước thực hiện dự án.
Bởi nếu không đảm bảo tính đồng bộ thì mỗi địa phương sẽ triển khai một cách khác nhau, dẫn đến công tác chỉ đạo điều hành thực hiện dự án sẽ phân tán, không tập trung. Đặc biệt, dự án khó khăn trong phân đoạn, thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Năng lực quản lý dự án của các địa phương được giao nhiệm vụ còn hạn chế.
Theo tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư của 3 dự án là hơn 84.000 tỉ đồng. Trong đó, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dài 188,2 km) sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỉ đồng, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (53,7 km) khoảng 17.837 tỉ đồng, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (117,5 km) khoảng 21.935 tỉ đồng.
Các dự án sử dụng từ 5 nguồn vốn: nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phân bổ của Bộ GTVT (khoảng 33.494 tỉ đồng); nguồn vốn từ Chương trình phục hồi, phát triển
KT-XH (gọi tắt chương trình, khoảng 9.620 tỉ đồng); nguồn ngân sách địa phương tham gia đầu tư (khoảng 8.358,5 tỉ đồng); nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2021 (khoảng 13.796 tỉ đồng); và nguồn vốn năm 2026 được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.