TP.HCM kiến nghị khẩn lên Thủ tướng về thu phí ETC tại 5 trạm BOT trên địa bàn

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 20:16, 29/05/2022

TP.HCM hiện có 5 trạm thu phí, bao gồm: An Sương - An Lạc, cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Phú Hữu (chưa tổ chức thu phí). Mỗi trạm có đặc thù khác nhau.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản khẩn gửi Thủ tướng báo cáo tiến độ triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng (gọi tắt là thu phí ETC) tại các trạm thu phí trên địa bàn thành phố.

TP.HCM hiện có 5 trạm thu phí, bao gồm: An Sương - An Lạc, cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Phú Hữu (chưa tổ chức thu phí).

Trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, nhà đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng. Trạm có quy mô 20 làn (2 trạm), là trạm thu phí có tính đặc thù do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ tổ chức thu phí từ năm 1998. 

Tháng trước, nhà đầu tư trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh cũng đã có văn bản đề nghị không triển khai, nâng cấp hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh. Lý do, thời gian thu phí còn lại rất ngắn (khoảng 5 năm, đến năm 2028 tuyến đường sẽ ngưng thu phí và bàn giao lại cho TP.HCM quản lý), chi phí đầu tư cho việc lắp đặt hệ thống trạm ETC rất cao và giá thu phí quy định rất thấp (thấp nhất cả nước và không thu phí xe ô tô dưới 9 chỗ). 

Trong công văn gửi Thủ tướng, UBND TP.HCM giải thích do thời gian thu phí còn lại ngắn, trong khi đầu tư hệ thống ETC chi phí cao và giá thu phí thấp nên kiến nghị cho phép không lắp đặt trạm thu phí ETC, chỉ thu phí thủ công đến khi kết thúc thời gian thu phí.

Nhà đầu tư trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh có trách nhiệm rà soát bộ máy thu phí, tự giám sát công tác thu phí, không để xảy ra tiêu cực, gây thất thoát.

Trạm thu phí cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công (TP Thủ Đức) hiện có 8/18 làn thu phí ETC. Thời gian thu phí chỉ còn khoảng 4 năm, kết thúc vào tháng 4.2026. 8 làn thu phí ETC này đáp ứng năng lực lưu thông với 362.880 lượt xe/ngày, trong khi lưu lượng xe thực tế chỉ 24.000 lượt xe/ngày, chỉ đạt 6,6% công suất.

Ngày 12.2, nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ đã có Văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất không nâng cấp các làn thu phí còn lại sang hình thức thu phí ETC vì 8 làn thu phí ETC đã đáp ứng năng lực thông hành. Trong khi đó, thời gian thu phí dự kiến chỉ còn khoảng 4 năm (đến tháng 4.2026), việc thu xếp nguồn vốn đầu tư khó khăn.

Do đó, TP.HCM kiến nghị lãnh đạo Chính phủ cho phép tiếp tục khai thác 8 làn thu phí ETC hiện hữu đến khi kết thúc thời gian thu phí, không nâng cấp hệ thống thu phí ETC 8 làn còn lại. Nhà đầu tư trạm thu phí cầu Phú Mỹ sẽ đóng, không khai thác các làn này. Nhà đầu tư cũng có trách nhiệm đảm bảo năng lực thông hành, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại trạm.

Với trạm thu phí An Sương - An Lạc trên tuyến Quốc lộ 1 (quận Bình Tân), nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO đã nâng cấp thu phí ETC là 21/25 làn (đạt 84%). Tuy nhiên, số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC qua trạm trên tổng số phương tiện chỉ đạt 16%.

TP.HCM đang phối hợp nhà đầu tư triển khai các thủ tục để nâng cấp hệ thống thu phí ETC 4 làn còn lại, kế hoạch hoàn thành trong tháng 7. 2022.

Tại trạm thu phí Xa lộ Hà Nội trên tuyến xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức), nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM. Hiện 8/16 làn thu phí được nâng cấp ETC. Trong đó, lượng phương tiện sử dụng thu phí không dừng đạt tỷ lệ trung bình 34%. TP.HCM cũng đang phối hợp nhà đầu tư triển khai các thủ tục để nâng cấp hệ thống thu phí ETC 8 làn còn lại, kế hoạch hoàn thành trong tháng 7.2022.

Riêng trạm thu phí BOT Phú Hữu (TP Thủ Đức) có 6 làn thu phí nhưng chưa tổ chức thu. Nhà đầu tư là  Công ty Cổ phần xi măng Vicem Hà Tiên đang triển khai đầu tư hệ thống thu phí ETC trước khi bắt đầu thu phí.

Hồ Đông