Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tập trận cùng Phần Lan và Thụy Điển ngay cửa ngõ nước Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 10:51, 30/05/2022
NATO cho biết: “14 thành viên NATO, hai quốc gia đối tác của NATO, hơn 45 tàu, hơn 75 máy bay và khoảng 7.000 nhân viên sẽ tham gia cuộc tập trận hàng hải hàng thường niên lần thứ 51 từ ngày 5 đến ngày 17.6”.
NATO khẳng định: “BALTOPS là cuộc tập trận thường niên thể hiện rõ ràng cam kết của NATO trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh khu vực bằng cách triển khai một nhóm các lực lượng quốc tế có thể phản ứng nhanh chóng trong thời điểm khủng hoảng”.
Các nước thành viên NATO tham gia sẽ có Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Bulgaria, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Anh và Mỹ.
Trong khi đó, Phần Lan và Thụy Điển, hai nước vừa tuyên bố xin gia nhập liên minh quân sự, cũng sẽ tham gia cuộc tập trận với tư cách là các quốc gia đối tác của NATO.
Không chỉ vậy, điều trùng hợp là năm nay Thụy Điển sẽ tổ chức cuộc tập trận BALTOPS 22, vốn được bắt đầu lần đầu tiên vào năm 1972. Do vậy, địa điểm tiến hành cuộc tập trận là biển Baltic phía nam Thụy Điển và Phần Lan đồng thời cũng là cửa ngõ ra vào của cả thành phố St Peterbourg và tỉnh Kaliningrad của nước Nga, nơi đặt trụ sở hạm đội Baltic.
Điều này có thể sẽ gây căng thẳng thêm cho khu vực vốn đã rất căng thẳng sau cuộc xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, việc Thụy Điển và Phần Lan tuyên bố từ bỏ vị thế trung lập để gia nhập NATO càng khiến quan hệ giữa 2 nước Bắc Âu với Nga đã nóng lại càng nóng.
TASS hôm 28.5 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay, khinh hạm Đô đốc Gorshkov thuộc Đề án 22350 của Hạm đội phương Bắc - Hải quân Nga đã bắn một tên lửa hành trình siêu thanh Zircon từ một vị trí ở biển Barents trúng mục tiêu ở biển Trắng.
"Theo dữ liệu điều khiển, tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon đã đánh trúng mục tiêu trên biển ở khoảng cách khoảng 1.000 km. Đường bay của tên lửa tương ứng với các thông số định trước", quân đội Nga thông tin thêm.
Giới quan sát nhận định vụ phóng thử lần này được Nga thực hiện trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực gia tăng sau khi Thụy Điển và Phần Lan, quốc gia ven biển Barents và chia sẻ biên giới chung dài 1.300km với Nga, quyết định nộp đơn xin gia nhập liên minh NATO.
Hôm 27.5, Chuẩn tướng Juha-Pekka Keränen, chỉ huy lực lượng không quân của quốc gia Bắc Âu, cho biết “phi đội F-35 sẽ được đưa vào biên chế đầu tiên cho Không quân Lapland ở Rovaniemi vào năm 2026”.
Nếu các máy bay F-35 của Phần Lan đóng tại căn cứ Rovaniemi cũng trở thành một phần của lực lượng QRA do Mỹ đứng đầu, họ sẽ mất ít thời gian hơn khi đánh chặn các máy bay quân sự nước ngoài bay về phía tây Bán đảo Kola. Ngoài ra, các máy bay F-35 của Phần Lan có thể được giao nhiệm vụ bảo vệ biên giới đất liền dài 1.340 km của đất nước với Nga, trong khi các máy bay của Na Uy tiếp tục phục vụ như một phần trong lực lượng QRA của NATO ở phía bắc.
Tuy nhiên, việc tập trận chung đó cũng không phản ánh việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận 2 nước Bắc Âu gia nhập NATO dễ dàng. Ngày 29.5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng quá trình đối thoại với Phần Lan và Thuỵ Điển về việc hai nước này gia nhập NATO không đạt được “mức kỳ vọng”, và Ankara không thể đồng ý để các nước “ủng hộ khủng bố” tham gia liên minh.
“Chừng nào Tayyip Erdogan còn là nguyên thủ của Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi chắc chắn không thể nói đồng ý để những nước ủng hộ khủng bố vào NATO”, ông Erdogan tuyên bố.
Thậm chí, ông còn nói: "Họ không trung thực hay chân thành. Chúng ta không thể lặp lại sai lầm đã mắc phải trong quá khứ liên quan đến các quốc gia tiếp tay và nuôi dưỡng những kẻ khủng bố như vậy trong NATO, một tổ chức an ninh".
Reuters dẫn 2 nguồn tin cho biết cuộc đối thoại với phái đoàn của Thuỵ Điển và Phần Lan hôm 25.5 không đạt được tiến triển đáng kể nào, và chưa rõ khi nào sẽ diễn ra đợt đối thoại tiếp theo. Tất cả 30 quốc gia NATO phải đồng ý thì tổ chức mới kết nạp được thành viên mới.