WHO không tin bệnh đậu mùa khỉ bùng phát thành đại dịch, Nigeria báo cáo 1 ca tử vong

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 22:12, 30/05/2022

Tổ chức Y tế Thế giới không tin rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi sẽ dẫn đến đại dịch, một quan chức cho biết hôm 30.5.

Quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) này nói thêm rằng vẫn chưa rõ liệu những người nhiễm vi rút đậu mùa khỉ không biểu hiện triệu chứng có thể truyền bệnh hay không. Gần 400 trường hợp nghi ngờ và được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo vào tháng 5, chủ yếu ở châu Âu. Đây là căn bệnh thường nhẹ, lây lan khi tiếp xúc gần và có thể gây ra các triệu chứng giống cúm, tổn thương da.

WHO đang xem xét liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có nên được đánh giá là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tiềm năng được quốc tế quan tâm (PHEIC) không. Tuyên bố như vậy, từng được thực hiện với COVID-19 và Ebola, sẽ giúp đẩy nhanh nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn dịch bệnh.

Khi được hỏi liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này có tiềm năng phát triển thành đại dịch không, bà Rosamund Lewis, trưởng nhóm kỹ thuật về bệnh đậu mùa khỉ từ Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, trả lời: "Chúng tôi không biết nhưng không nghĩ vậy. Hiện tại, chúng tôi không lo ngại về một đại dịch toàn cầu".

Bà Rosamund Lewis nói thêm, sau khi mắc bệnh đậu mùa khỉ, khoảng thời gian phát ban nổi lên và đóng vảy được coi là thời kỳ lây nhiễm, nhưng có rất ít thông tin về việc liệu có bất kỳ sự lây lan nào của vi rút từ những người không có triệu chứng không.

"Chúng tôi thực sự vẫn chưa biết liệu có sự lây truyền bệnh đậu mùa khỉ không có triệu chứng không - các dấu hiệu trước đây cho thấy đây không phải là một đặc điểm chính - nhưng điều này vẫn còn phải được xác định", Rosamund Lewis chia sẻ.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với sự kết hợp của sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết, có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần và thường tự khỏi. Theo WHO, đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày.

Hầu hết quốc gia đều cho biết những người mắc bệnh đậu mùa khỉ nên cách ly trong 21 ngày để ngăn chặn vi rút lây truyền. Bỉ là nước đầu tiên bắt buộc bệnh nhân đậu mùa khỉ phải cách ly trong 21 ngày.

Có hai chủng vi rút đậu mùa khỉ: chủng Tây Phi nhẹ hơn, đang lưu hành ở châu Âu và Bắc Mỹ, có tỷ lệ tử vong được ghi nhận là khoảng 1%; chủng Congo gây bệnh nặng hơn với tỷ lệ tử vong lên đến 10%. Những người mắc bệnh đậu mùa trong đợt bùng phát gần đây liên quan đến chủng Tây Phi và chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo.

Hầu hết các ca bệnh đậu mùa khỉ đều xảy ra ở châu Âu chứ không phải các nước trung và tây Phi, nơi vi rút lưu hành, và không liên quan đến du lịch.

Do đó, các nhà khoa học đang xem xét điều gì có thể giải thích cho sự gia tăng bất thường các ca bệnh đậu mùa khỉ này, trong khi các cơ quan y tế công cộng nghi ngờ rằng có một số mức độ lây truyền từ cộng đồng.

Một số quốc gia như Anh, Mỹ, Pháp... đã bắt đầu cung cấp vắc xin cho các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ.

who-khong-tin-benh-dau-mua-khi-bung-phat-thanh-dai-dich-nigeria-bao-cao-1-ca-tu-vong.jpg
Nam sinh Julian Glenn được cho đã nhiễm vi rút đậu mùa khỉ từ con chó cưng của anh trong bức ảnh được chụp năm 2003 - Ảnh: AP

Hôm 29.5, WHO cho biết rằng đậu mùa khỉ tạo thành "nguy cơ trung bình" với sức khỏe cộng đồng nói chung ở cấp độ toàn cầu sau khi các ca bệnh được báo cáo ở các quốc gia không thường lưu hành vi rút này. Tuy nhiên, WHO cảnh báo: “Rủi ro về sức khỏe cộng đồng có thể trở nên cao nếu loại vi rút này lợi dụng cơ hội để tự thiết lập là mầm bệnh cho người và lây lan sang các nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn như trẻ nhỏ và những người bị ức chế miễn dịch”.

Theo WHO, tính đến ngày 26.5, tổng cộng 257 ca mắc bệnh đậu khỉ được xác nhận và 120 trường hợp nghi ngờ đã được báo cáo từ 23 quốc gia thành viên không phải là nơi lưu hành của vi rút. WHO cũng nói rằng sự xuất hiện đột ngột của bệnh đậu mùa khỉ cùng lúc ở một số quốc gia không lưu hành vi rút cho thấy sự lây truyền không bị phát hiện trong một thời gian.

Cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc cho rằng sẽ có nhiều ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo hơn khi việc giám sát ở các nước lưu hành và không lưu hành vi rút được mở rộng. Đa số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận đến nay ở Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

WHO thông báo: “Phần lớn các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo cho đến nay không có liên kết du lịch đến khu vực lưu hành dịch bệnh và đã được phát hiện thông qua các dịch vụ chăm sóc ban đầu hoặc sức khỏe tình dục”.

Nigeria ghi nhận 21 ca bệnh đậu mùa khỉ trong năm với 1 người chết

Nigeria đã xác nhận 21 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ kể từ đầu năm 2022 với một trường hợp tử vong. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria (NCDC) cho biết thông tin này cuối ngày 29.5. Các ca bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo ở 9 bang và thủ đô Abuja.

Bệnh đậu mùa khỉ thường lưu hành ở các nước châu Phi như Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nigeria. Thế nhưng, đậu mùa khỉ đã gây ra báo động toàn cầu sau khi gần 400 ca bệnh và nghi ngờ được phát hiện kể từ đầu tháng 5, chủ yếu ở châu Âu.

NCDC cho biết trong số 61 trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo ở Nigeria kể từ tháng 1, có 21 ca được xác nhận với một người tử vong. Nạn nhân là người đàn ông 40 tuổi. 6 trong số các ca bệnh đậu mùa khỉ ở Nigeria được phát hiện trong tháng 5.

Trong số 21 trường hợp được báo cáo vào năm 2022 cho đến nay, không có bằng chứng về bất kỳ sự lây truyền mới hoặc bất thường nào của vi rút, cũng như những thay đổi về biểu hiện lâm sàng của nó được ghi nhận, bao gồm các triệu chứng, hồ sơ và độc lực”, NCDC thông báo.

UAE báo cáo thêm 3 ca bệnh đậu mùa khỉ

Gần một tuần sau khi công bố ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, Bộ Y tế UAE hôm 30.5 cho biết đã phát hiện thêm 3 trường hợp mới ở nước này. Bộ Y tế UAE không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về 3 cá nhân mắc bệnh. Trường hợp đầu tiên là phụ nữ 29 tuổi đến UAE từ Tây Phi.

Sơn Vân