ĐBSCL đang khát các tuyến cao tốc để phát triển kinh tế

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 15:45, 31/05/2022

Tại Hội thảo “Xóa trắng cao tốc - phát huy lợi thế ĐBSCL” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 31.5, chủ đề cao tốc cho ĐBSCL được các đại biểu tham gia góp ý sôi nổi.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm nhận định, hệ thống đường bộ tại ĐBSCL đang được đầu tư với chiều dài khoảng 2.688 km, tăng 52% so với năm 2002, trong đó nhiều công trình cầu lớn đã được xây dựng góp phần kết nối thông suốt đôi bờ sông Tiền, sông Hậu (như cầu Mỹ Thuận, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu…); 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm. Đặc biệt, chương trình xóa cầu “khỉ” đã được thực hiện trong suốt thời gian qua với nhiều nguồn vốn khác nhau.

cao-toc.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm - Ảnh: Thanh Niên

Dù vậy, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng chưa cao, chưa phát huy và khai thác đúng tiềm năng và lợi thế tự nhiên của khu vực, đời sống người dân còn khó khăn. Tính kết nối nội vùng, giữa vùng với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ còn hạn chế. Đồng thời, Thứ trưởng chỉ ra, một trong những nguyên nhân quan trọng là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn.

Con số được ông Lâm nêu ra là toàn vùng ĐBSCL chỉ có 91km đường cao tốc so với 1.239km của cả nước, tức chỉ chiếm 7%. 

Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè đánh giá có 3 dự án đầu tư đường rất quan trọng với các tỉnh miền Tây gồm: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đáp ứng vận tải theo trục ngang và đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Ông đánh giá 3 tuyến đường này sẽ rất tốt cho sự phát triển của ĐBSCL.

Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, Trần Văn Bon cho biết, thời gian qua Tiền Giang cùng các bộ ngành đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ông chia sẻ: "Trước đây muốn đi về các tỉnh ĐBSCL phải mất 2-3 tiếng mới qua Tiền Giang, nhưng hiện nay đi lại rất thuận lợi, đó là hiệu quả có thể thấy ngay lập tức, tầm quan trọng của cao tốc".

Đáng chú ý hơn cả là chia sẻ của đại diện tỉnh Cà Mau. Nếu như ĐBSCL là “vùng trũng” về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ của cả nước thì Cà Mau chính là vùng trũng của vùng trũng.

Nguyên nhân do xuất phát điểm thấp, cùng với đặc thù hệ thống sông rạch chằng chịt, điều kiện địa chất yếu nên Cà Mau hiện nay là một trong những địa phương còn yếu về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ so với các tỉnh trong vùng.

Các tuyến QL1, QL63 và đường Hồ Chí Minh qua Cà Mau đều là những tuyến đường huyết mạch nhưng hiện nay mặt đường rất hẹp, thường xuyên ùn tắc. Thời gian tới, khi đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành đưa vào khai thác, lưu lượng giao thông sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa, làm gia tăng áp lực về giao thông trên tuyến. Vì vậy, cần sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ này.

Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai dự án tuyến tránh QL1 qua địa bàn TP.Cà Mau và dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy rất tốt hiệu quả đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nhìn chung kết quả đạt được còn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của địa phương, nhất là chưa có giao thông đường bộ tốc độ cao.

Để sớm phát huy lợi thế cho khu vực, địa phương đề nghị Bộ GTVT phải có giải pháp phù hợp để triển khai đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng đúng theo tiến độ đối với các dự án đường cao tốc tại khu vực đã được phê duyệt, nối thông cao tốc trục dọc TP.HCM đến Cà Mau, trong đó có dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Đồng thời kiến nghị T.Ư quan tâm xem xét chủ trương để đầu tư hoàn thiện hệ thống đường cao tốc trục ngang đảm bảo tính liên kết vùng, tạo động lực phát triển cho cả khu vực.

Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Lâm Văn Bi cho rằng bên cạnh sự mong chờ, các địa phương cũng lo lắng do nhiều công trình cùng lúc sẽ rất áp lực trong công tác điều hành, vật liệu. Ông Bi đề xuất cần phải có giải pháp cụ thể để khi triển khai không phát sinh các vướng mắc.

Ý kiến của ông Bi cũng là nỗi niềm của Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh  Đồng Tháp, Nguyễn Cư Trinh. Ông Trinh cũng nhận định khi đầu tư thì sẽ gặp khó khăn rất lớn về vật liệu xây dựng. Mặc dù tỉnh có trữ lượng lớn về cát nhưng không thể khai thác vô tận. Theo tính toán của tỉnh, trong 5 năm tới tỉnh Đồng Tháp cần tới 10 triệu m3 cát để hoàn thành các công trình giao thông nhưng trữ lượng chỉ đáp ứng được khoảng 30-40%.

Hồ Đông