Elon Musk tiết lộ tính ưu việt của vệ tinh Starlink 2.0, đau đầu vì tên lửa Starship siêu nặng

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:38, 01/06/2022

Theo Giám đốc điều hành SpaceX - Elon Musk, thế hệ vệ tinh Starlink tiếp theo sẽ lớn hơn và mạnh hơn, được thiết kế để cung cấp khả năng truy cập internet đến các vùng xa xôi trên thế giới.

Tỷ phú công nghệ 50 tuổi gần đây đã thảo luận về các chi tiết của hệ thống Starlink thế hệ 2 trên Everyday Astronaut - chương trình YouTube nổi tiếng.

Trong video clip dài 32 phút, Elon Musk tiết lộ rằng SpaceX đã sản xuất vệ tinh Starlink 2.0 đầu tiên. Vệ tinh thế hệ mới dài 7 mét (22 feet) và nặng khoảng 1,25 tấn (tương đương 1.250 kg). Để so sánh, Starlink 1.0 nặng khoảng 573 pound (260 kg). Theo Elon Musk, trọng lượng tăng thêm sẽ giúp vệ tinh Starlink 2.0 hoạt động hiệu quả hơn.

Giám đốc điều hành SpaceX nói trong cuộc phỏng vấn: “Hãy nghĩ về nó như bao nhiêu bit dữ liệu hữu ích mà mỗi vệ tinh có thể làm được. Xét về các bit dữ liệu hữu ích, Starlink 2.0 gần như tốt hơn một bậc so với Starlink 1.0”.

SpaceX lần đầu tiên công bố thế hệ vệ tinh Starlink mới vào tháng 8.2021, “được thiết kế để bổ sung cho chòm sao thế hệ đầu tiên mà công ty đang triển khai”.

Thế nhưng, vệ tinh nặng hơn khiến việc vận chuyển trở nên khó khăn hơn. Vệ tinh Starlink được đưa lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp trên Falcon 9, nhưng tên lửa này sẽ không có khả năng mang theo Starlink 2.0.

Falcon không có dung tích cũng như khối lượng để có khả năng đưa Starlink 2.0 lên quỹ đạo. Vì vậy, ngay cả khi chúng tôi thu nhỏ vệ tinh Starlink xuống, tổng khối lượng tăng lên của Falcon gần như không đủ để làm điều đó với Starlink 2.0”, Elon Musk chia sẻ.

Thay vào đó, SpaceX dựa vào Starship, tên lửa phóng siêu nặng đang được phát triển.

Starship là tên lửa phóng siêu nặng có thể tái sử dụng hoàn toàn, đang được SpaceX phát triển và sản xuất. Starship tạo ra lực đẩy 17 triệu lbs (7.710 tấn), đồng thời có thể phóng 300.000 lbs (150 tấn) và tái sử dụng được.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã tiến hành đánh giá môi trường tại bãi phóng Boca Chica (bang Texas, Mỹ) của chương trình Starship trong nhiều tháng để xem tác động của nó và dự kiến ​​báo cáo vào giữa tháng 6.2022. Việc FAA nhiều lần trì hoãn đưa ra quyết định cuối cùng khiến Elon Musk mất tinh thần.

Chúng tôi cần Starship hoạt động và bay thường xuyên nếu không Starlink sẽ bị mắc kẹt trên mặt đất”, ông nói trong cuộc phỏng vấn.

Trong trường hợp địa điểm Boca Chica không thành công trong quá trình đánh giá môi trường của FAA hoặc nếu cơ quan này đưa ra tuyên bố về tác động môi trường để tìm hiểu sâu hơn về các kế hoạch của SpaceX vài năm tới, công ty hàng không vũ trụ có thể chuyển sang kế hoạch dự phòng của mình.

Trong buổi thuyết trình về Starship đầu năm nay, Elon Musk cho biết SpaceX đã được phê duyệt để phóng Starship từ Cape Canaveral ở bang Florida (Mỹ). Động thái này sẽ khiến chuyến bay đầu tiên của Starship bị trì hoãn từ 6 đến 8 tháng vì SpaceX phải xây dựng một tháp phóng trên bãi này, nhưng ít nhất thì thời gian chờ đợi sẽ không kéo dài nhiều năm.

elon-musk-he-lo-tinh-uu-viet-cua-ve-tinh-starlink-20.jpg
Vụ phóng mới nhất của SpaceX đã đưa 53 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp - Ảnh: AP

Không phải tất cả mọi người đều thích thú với việc đưa vệ tinh Starlink 2.0 lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Đầu năm nay, các quan chức NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) đã soạn thảo một lá thư gửi FAA bày tỏ mối quan ngại của họ về Starlink 2.0 và nguy cơ va chạm với các vệ tinh, tàu vũ trụ khác nhau của cơ quan vũ trụ này.

Elon Musk đang xây dựng siêu vệ tinh internet, với hy vọng phóng tổng cộng 42.000 vệ tinh lên quỹ đạo để cung cấp internet băng thông rộng cho các vùng xa xôi trên thế giới. Đến nay, SpaceX có khoảng 2.300 vệ tinh Starlink đang hoạt động đã được đưa vào quỹ đạo.

Các vệ tinh Starlink đã bị nhiều nguồn khác nhau chỉ trích, bao gồm cả một nhóm các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc - gần đây đăng bài viết về cách tiêu diệt các vệ tinh SpaceX nếu chúng bắt đầu gây ra mối đe dọa quốc gia.

Nghiên cứu do nhà khoa học Nhậm Nguyên Chân thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ viễn thông và trinh sát Bắc Kinh (BITT) cùng các nhà khoa học trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc dẫn đầu thực hiện. Họ kêu gọi xây dựng một số “phương pháp tiêu diệt mềm và cứng” đủ sức ngăn vài vệ tinh Starlink hoạt động. 

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đặc biệt lo ngại về khả năng quân sự tiềm tàng của chòm sao Starlink mà họ cho rằng có thể được sử dụng để theo dõi tên lửa siêu thanh; tăng đáng kể tốc độ truyền dữ liệu của máy bay không người lái và máy bay chiến đấu tàng hình Mỹ; thậm chí húc vào và phá hủy các vệ tinh Trung Quốc.

Nhóm nhà khoa học Trung Quốc không nêu ra phương pháp vô hiệu hóa Starlink cụ thể mà chỉ đề nghị áp dụng cách tiếp cận ít tốn kém nhưng hiệu quả cao, đồng thời cũng nhấn mạnh toàn bộ mạng lưới vệ tinh mới là vấn đề chứ không phải từng cái riêng lẻ.

Với đề nghị nêu trên, dùng tên lửa dường như bất khả thi. Mạng lưới Starlink có đến hàng ngàn vệ tinh nên không thể sử dụng tên lửa tiêu diệt tất cả mà vẫn đảm bảo chi phí thấp và hiệu quả cao. Laser, công nghệ vi sóng hay thậm chí vệ tinh nhỏ là phương pháp khả thi.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đã có nhiều phương pháp để vô hiệu hóa vệ tinh bao gồm các thiết bị gây nhiễu vi sóng có thể làm gián đoạn liên lạc; tia laser mạnh mẽ, độ phân giải milimet có thể thu được hình ảnh có độ phân giải cao và làm mù cảm biến vệ tinh; vũ khí mạng để xâm nhập vào mạng vệ tinh; tên lửa chống vệ tinh (ASAT) tầm xa để tiêu diệt chúng. Song theo các nhà nghiên cứu, những biện pháp này vốn có hiệu quả với các vệ tinh riêng lẻ nhưng sẽ không đủ để đánh bại Starlink.

Trung Quốc có thể đang xem xét các cách khác để chống lại Starlink vì tên lửa ASAT có thể gây nguy hiểm cho tất cả quốc gia hoạt động trong vũ trụ, nhất là các mảnh vụn do chúng tạo ra hay còn gọi là rác vũ trụ.

Starlink có rất nhiều người dùng dân sự lẫn quân sự. Mạng lưới giúp quân đội Mỹ truyền tải dữ liệu nhanh hơn bao giờ hết. Khả năng truyền tải đáng kinh ngạc cùng với số lượng vệ tinh khổng lồ khiến các nước có căng thẳng với Mỹ ngày càng lo ngại.

Trong cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine, dịch vụ internet vệ tinh do Starlink cung cấp đã giúp máy bay không người lái Ukraine tấn công lính Nga. Dmitry Rogozin, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos), đầu tháng qua nói Elon Musk phải chịu trách nhiệm về việc này.

Năm ngoái, Trung Quốc từng viết thư gửi lên Ủy ban về Sử dụng không gian một cách hòa bình của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phàn nàn rằng trạm vũ trụ nước này buộc phải thực hiện các cuộc điều động khẩn cấp để tránh "đụng độ gần" với vệ tinh Starlink vào tháng 7 và tháng 10 năm 2021.

Trung Quốc cũng đang tìm cách cạnh tranh trực tiếp với Starlink thông qua việc phóng mạng vệ tinh của riêng mình có tên Xing Wang (hay Starnet), nhằm mục đích cung cấp truy cập internet toàn cầu cho khách hàng trả tiền.

Sơn Vân