ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Đã đến lúc quay trở về… bình thường cũ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:08, 01/06/2022
Sáng 1.6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường. Phát biểu ý kiến, đại biều quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho biết hiện bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàng Mai chỉ còn 10 bệnh nhân. Các tỉnh khác bệnh nhân COVID-19 cũng rất ít và tình trạng tử vong không có. Trận chung kết bóng đá vừa qua và ngay cả cuộc họp quốc hội hôm nay cũng không ai đeo khẩu trang.
"Điều đó cho thấy hiện nay COVID-19 đang rơi vào thoái trào nhưng chúng ta vẫn không tuyên bố chính thức kết thúc COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A", ông Hiếu nêu.
Đại biểu Hiếu chia sẻ, khi coi COVID-19 là một chuyên khoa không có nghĩa là chúng ta coi nhẹ sự nguy hiểm của bệnh này mà cần phản ứng linh hoạt, theo dõi sát trên 3 chỉ số.
Cụ thể là xét nghiệm thăm dò phát hiện sớm các biến chủng mới, ghi nhận sự lây lan đột ngột trong cộng đồng và tình hình bệnh nhân chuyển nặng cần chuyển viện. Nếu có sự bất thường thì cơ quan chức năng sẽ thay đổi trạng thái chống dịch. Chúng ta không ngồi chờ diễn biến của COVID-19 mà cần linh hoạt.
“Đã đến lúc trở lại trạng thái bình thường cũ với 2 mục tiêu: Phục vụ cho lộ trình mở cửa hậu COVID-19, và tránh quá tải y tế”, ông Hiếu nói.
Theo đại biểu Hiếu, chỉ cần khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, nếu ai bị nhiễm COVID-19 thì vào viện. Việc cách ly người bệnh dứt khoát không được cực đoan như trước nữa.
"Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành y. Hệ thống y tế đã trải qua những giây phút không thể nào quên và có những hy sinh cũng như sai phạm, nhưng công tội phân minh. Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển của một ngành quan trọng diễn ra như thế nào? Chúng ta không thể vì những sai phạm mà để cả hệ thống bị tê liệt", ông Hiếu nhấn mạnh.
Đại biểu Lân Hiếu cho hay những khó khăn trước đây như thu nhập của nhân viên y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế không những không được cải thiện so với trước mà còn khó khăn hơn bao giờ hết.
"Rất nhiều nhân viên y tế, người bệnh, cử tri đã gửi gắm cho tôi nỗi lòng lo lắng của họ về những khó khăn hiện nay và tương lai của y tế Việt Nam, nhưng tìm được câu trả lời không hề dễ dàng. Những vướng mắc đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ ai cũng nhận ra nhưng ngày càng nhiều và phức tạp hơn", ông Hiếu nói.
Thêm vào đó, ông Hiếu cho rằng việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lắng lớn nhất của các bệnh viện, cả công và tư. Nguồn nhân lực đã thiếu nay còn thiếu hơn vì mức lương không những không tăng mà có xu hướng giảm; không đủ điều kiện để thực hiện những kỹ thuật mới, hiện đại khiến những bác sĩ giỏi đến đâu cũng phải nản lòng.
Do đó, ông Hiếu đề nghị Quốc hội cho ý kiến sớm hoàn thiện, thông qua dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), giám sát Chính phủ sớm ban hành các thông tư, chính sách then chốt nhằm tháo gỡ những vướng mắc nghiêm trọng của ngành y tế như hướng dẫn quyết toán chi phí chống dịch, chi trả bảo hiểm y tế cho một số lĩnh vực cụ thể, có nguồn ngân sách cụ thể cho y tế cơ sở, đầu tư kỹ thuật cao cho các bệnh viện, thu hút nguồn nhân lực…
“Tôi rất mong các lãnh đạo cao cấp hiểu những khó khăn mà chúng tôi gặp phải, không chỉ là vật chất mà còn cả tinh thần. Phương hướng phát triển rõ ràng là điều mà nhân viên y tế chúng tôi cần nhất lúc này”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đại biểu Hiếu cũng nêu, với nguồn lực hạn chế nhưng tỷ lệ tử vong trong đại dịch thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia giàu có, đây là công đầu của y tế Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chính họ trong “thời bình” lại rất hoang mang khi những biến cố dồn dập xảy ra, những “con sâu” đã bị xử lý nhưng những người nhận nhiệm vụ mới lại vô cùng bối rối vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luât chưa hoàn chỉnh.