Tổng thống Mỹ nêu khổ tâm giằng xé khi viện trợ vũ khí cho Ukraine
Quốc tế - Ngày đăng : 15:53, 01/06/2022
Chính quyền Biden hôm 31.5 đã thông báo rằng họ sẽ gửi cho Ukraine một số lượng nhỏ các hệ thống tên lửa tầm trung, công nghệ cao.
Trong bài viết trên New York Times, Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã quyết định “cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa và đạn dược tiên tiến hơn để giúp họ tấn công chính xác hơn các mục tiêu quan trọng trên chiến trường Ukraine”. Nhưng Tổng thống Mỹ không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho Ukraine tấn công vượt ra ngoài biên giới và không muốn kéo dài chiến tranh "chỉ để gây đau đớn cho Nga".
Các quan chức Mỹ cho biết gói viện trợ dự kiến sẽ được công bố hôm nay sẽ gửi đi những tên lửa mà Mỹ coi là tên lửa tầm trung – với tầm bắn khoảng 70 km. Đó là một vũ khí quan trọng mà các nhà lãnh đạo Ukraine đã đề nghị để giúp họ ngăn chặn đà tiến quân của Nga ở khu vực Donbas.
Thực ra, Ukraine muốn có tầm bắn xa hơn. Kyiv đã yêu cầu Mỹ cung cấp các bệ phóng tên lửa tầm xa di động, M270 MLRS và M142 Himars, có thể phóng nhiều tên lửa cùng lúc với tầm bắn lên đến 300 km, gấp hơn 8 lần tầm bắn của pháo trên thực địa. Điều này có thể mang lại cho lực lượng Ukraine khả năng tiếp cận, với độ chính xác cao, các mục tiêu ở phía sau chiến tuyến của Nga.
Nhưng yêu cầu này đã bị Tổng thống Biden từ chối vì ông sợ Ukraine dùng bắn sang Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 30.5 tuyên bố ông không có kế hoạch gửi cho Ukraine loại tên lửa tầm xa có thể bắn tới lãnh thổ Nga.
"Chúng tôi sẽ không gửi bất cứ thứ gì có thể bắn vào Nga", ông Biden nói tại Nhà Trắng hôm 30.5 khi được hỏi liệu ông có định gửi tên lửa tầm xa tới Ukraine hay không.
Dù sao thì tên lửa tầm trung 70 km cũng thỏa mãn phần nào từ Kyiv vì ít nhất sẽ không phải nghe than thở thêm từ Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Mykhailo Podoliak. Trước đó, ông Podoliak liên tục than thở trên twitter rằng: "Thật khó để chiến đấu khi bạn bị tấn công từ khoảng cách 70 km và không có gì để chống trả".
Các quan chức Mỹ không nêu chi tiết khoản viện trợ sẽ có giá bao nhiêu, nhưng đây sẽ là gói thứ 11 được thông qua cho đến nay và sẽ là gói đầu tiên khai thác khoản hỗ trợ 40 tỉ USD mà Quốc hội vừa thông qua.
Kỳ vọng của Mỹ là Ukraine có thể sử dụng các tên lửa ở khu vực Donbas, nơi họ có thể đánh chặn pháo binh Nga và bắn vào các vị trí của Nga ở các thị trấn đang giao tranh ác liệt, chẳng hạn như Sievierodonetsk.
Mục tiêu chiến lược của Mỹ là cố gắng đạt được sự cân bằng giữa mong muốn giúp Ukraine chống lại hỏa lực pháo binh dữ dội của Nga trong khi không cung cấp vũ có thể cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga và gây ra leo thang chiến tranh.