Dùng hóa đơn điện tử vẫn có gian lận, ngành thuế nói gì?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:25, 01/06/2022

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết có xảy ra gian lận khi sử dụng hóa đơn điện tử, nhưng sẽ lưu vết ở cơ quan thuế.

Trao đổi với báo giới về thời gian cấp mã hóa đơn điện tử, việc tích hợp mã QR code để người dân không phải dùng tiền mặt, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh ngày 1.6 cho biết, thời gian cấp mã rất nhanh, chỉ mất khoảng 1/10 giây. Việc tích hợp mã QR code cũng đã được triển khai, tích hợp trên hệ thống thanh toán.

234754.jpg
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh

Đặc biệt, việc gian lận hóa đơn điện tử sẽ ít hơn bởi khi thanh toán, các hóa đơn này sẽ được lưu vết trên hệ thống. Các giao dịch đó sẽ được cơ quan thuế phân tích các dấu hiệu tội phạm bằng trí tuệ nhân tạo.

"Cơ quan thuế sẽ sử dụng các công cụ phân tích rủi ro riêng, ngoài xây dựng dữ liệu điện tử của ngành thuế, chúng tôi còn có chương trình ứng dụng công nghệ phân tích nhanh, xử lý triệt để gian lận hóa đơn điện tử", ông Minh cho hay.

Vào tháng 3.2021, một đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn điện tử với số lượng hóa đơn và số tiền ghi trên hóa đơn rất lớn đã được Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.Hà Nội triệt phá thành công.

Cụ thể, đối tượng Lê Thị Hạnh (SN 1985, trú tại Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng những người khác trong ổ nhóm đã sử dụng 28 công ty "ma" thực hiện mua bán trái phép 48.629 tờ hóa đơn điện tử và nhiều loại hóa đơn giấy khác nhau, với tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn bước đầu xác định trên 1.553,8 tỉ đồng; thuế giá trị gia tăng trên 155,3 tỉ đồng.

Liên quan đến nghi vấn buôn bán hóa đơn điện tử trên mạng, ngành thuế cho biết, hiện Cục Thuế Hà Nội đang phối hợp với Công an Hà Nội xử lý 1 trường hợp buôn bán hóa đơn qua mạng. Cơ quan này đang kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện nhiều giải pháp trong đó có việc rà soát xác minh có đúng là buôn bán hóa đơn điện tử hay không?

Một trong những giải pháp quan trọng mà ông Minh đề cập, đó chính là giải pháp về tuyên truyền để người dân và xã hội hiểu lợi ích của hóa đơn điện tử. Theo ông Minh, hóa đơn điện tử là một loại hình hóa đơn mới và khi được triển khai thì nhiều người nộp thuế còn chưa nắm rõ được nội dung, lợi ích trong việc áp dụng. Do đó, ngành thuế đã xác định công tác tuyên truyền là nội dung quan trọng được triển khai ngay từ giai đoạn chuẩn bị triển khai hóa đơn điện tử.

Theo quy định thì đối tượng người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử rất đa dạng với nhiều loại hình kinh tế và cách thức quản lý khác nhau. Vì vậy, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai theo từng đợt đối với người nộp thuế theo từng loại hình khác nhau nhằm bảo đảm hiệu quả trong công tác triển khai cũng như không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của người nộp thuế.

Tính đến ngày 24.5 vừa qua, số lượng người nộp thuế đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử cụ thể là: Trong giai đoạn 1 triển khai tại 6 tỉnh, thành phố đã có 100% doanh nghiệp đang hoạt động, 100% cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai tham gia. Giai đoạn 2 triển khai tại 57 tỉnh, thành phố đã có 309.243 doanh nghiệp (tương đương 83,6% tổng số doanh nghiệp) đang hoạt động và 100% cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai (30.489 cá nhân kinh doanh) tham gia.

Như vậy, trên cả nước đã có 764.314 doanh nghiệp (tương đương 92,6% tổng số doanh nghiệp) và 52.778 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử.

Số lượng hóa đơn cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý từ khi triển khai đến ngày 24.5 là 318.401.123 hóa đơn, trong đó có 106.414.378 hóa đơn có mã, 41.347.907 hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế, 170.588.512 hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp cơ quan thuế, 50.326 hóa đơn theo lần phát sinh.

Tuyết Nhung