Tên lửa đẩy Trung Quốc gây ra tiếng nổ lớn tại Úc
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:42, 02/06/2022
Glen Brough sống tại thị trấn Broome cho biết ban đầu ông và vợ nghĩ rằng vệt sáng họ thấy là tên lửa quân sự. Ông mô tả: “Bầu trời bừng sáng, hoàn toàn bừng sáng”. Ánh sáng đi kèm tiếng nổ lớn khiến chó trong thị trấn sủa liên hồi.
“Có lẽ khoảng một phút sau chúng ta thấy những tiếng nổ này. Bạn có thể nghe thấy từ cách một dặm”, theo ông Brough.
Giới thiên văn học sau đó lên tiếng xoa dịu vệt sáng người dân nhìn thấy không phải tên lửa quân sự. Chuyên gia Jonathan McDowell thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian cho biết vệt sáng có thể là mảnh vỡ từ một phần của tên lửa đẩy Trường Chinh 3 được phóng vào mùa hè năm ngoái để đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
Chuyên gia McDowell theo dõi đường đi của Trường Chinh 3 bằng cách sử dụng thông tin công khai do Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cung cấp. Tên lửa đẩy đi qua Broome và khắp miền bắc nước Úc – phù hợp với thời gian lẫn hướng vệt sáng di chuyển vừa qua.
Nhà thiên văn học Greg Quicke sống tại Broome đưa ra nhận định tương tự dựa trên tốc độ di chuyển chậm chạp của những vệt sáng. Ông cho biết: “Nếu là thiên thạch, chúng sẽ di chuyển nhanh hơn nhiều”.
Đây không phải lần đầu tiên trong năm nay mảnh vỡ tên lửa gây báo động. Vài tháng gần đây tại Ấn Độ đã xảy ra hai vụ việc do tên lửa quay lại Trái đất chưa bốc cháy hoàn toàn gây ra.
Ngày 2.4, một vòng kim loại nặng 40 kg rơi xuống làng Ladbori khiến người dân địa phương sợ hãi. Vòng kim loại cùng nhiều vật thể khác được tìm thấy sau khi một số nhân chứng ở vùng Maharashtra kể lại họ nhìn thấy vệt sáng trên bầu trời. Ngày 12.5, một số người dân sống tại bang Gujarat phát hiện ra một số mảnh vỡ rải rác sau khi nghe thấy tiếng động mạnh.
Theo chuyên gia McDowell, mảnh vỡ trong hai vụ trên đều là từ tên lửa Trung Quốc được phóng vài tháng trước đó.
Rác thải vũ trụ đang trở thành vấn đề ngày càng lớn. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ước tính có khoảng 36.500 mảnh vỡ với chiều kích thước ít nhất 10 cm đang bay quanh Trái đất. Khi rơi xuống khí quyển chúng sẽ vỡ thành nhiều mảnh và bốc cháy, đem đến nguy cơ gây thiệt hại về người và của.