Hãy nghĩ về từng hạt cơm người dân ăn
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:37, 02/06/2022
Tôi vừa đọc câu chuyện Ngân hàng hạt giống khổng lồ của Ukraine có thể bị phá hủy vĩnh viễn do chiến tranh vì các hầm ngầm chứa hạt giống ở gần chiến trường, mã di truyền của gần 2.000 cây trồng có nguy cơ bị phá hủy vĩnh viễn. Nhân vụ đó lại nhớ chuyện nhà sinh vật học Nikolai Vavilov (1847-1943).
Vavilov cả đời đi khắp thế giới thu thập hạt giống các loại cây lương thực đem về Liên Xô để nghiên cứu phát triển. Cuộc đời Vavilov khá bi kịch. Vavilov nhiều lần phê phán các khái niệm "phi Mendel" của nhà nông học gốc Ukraine Trofim Denisovich Lysenko mà thuyết của Lysenko lại được nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô Josif Stalin ủng hộ. Sau này, Vavilov đã bị bắt vào ngày 2.8.1942, chết trong tù do thiếu dinh dưỡng đầu năm 1943 tại Saratov. Cay đắng là một nhà nghiên cứu cây lương thực lại chết vì thiếu dinh dưỡng.
Sau này, giá trị của Vavilov được chính quyền hậu Stalin đánh giá lại. Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã thành lập giải thưởng (năm 1965) và huy chương vàng (năm 1968) mang tên ông. Tại Saratov, năm 1969, người ta đã lấy tên ông đặt cho một đường phố, đường Vavilov. Năm 1997 ở đầu đường Vavilov người ta đã dựng lên tượng đài kỷ niệm Nikolai Ivanovich Vavilov.
Nhưng phần hay nhất của câu chuyện không phải ở đó. Khi Vavilov bị giam trong tù, các cộng sự của ông vẫn làm việc ở phòng thí nghiệm Leningrad. Thời điểm đó, Đức thực hiện cuộc bao vây Leningrad khiến chính quyền không thể tiếp tế lương thực và nạn đói đã xảy ra.
Sau này, khi Leningrad được giải phóng, người ta đến phòng thí nghiệm thì thấy kho hạt giống vẫn còn nguyên vẹn. Các cộng sự của Vavilov thà chết đói chứ quyết không ăn những hạt giống được lưu trữ dù họ có thể làm thế. Điện ảnh Mỹ từng có bộ phim về câu chuyện này để tri ân những nhà khoa học như vậy (tập 4 trong Cosmos: Possible Worlds).
Nhờ việc lưu trữ này mà nhiều giống quý hiếm được bảo tồn để lai tạo, nhân giống. Cơm hay bánh mì mà nhân loại đang ăn cũng có gien di truyền từ phòng thí nghiệm Vavilov - nơi chứng kiến những nhà khoa học đã hy sinh, để lại hạt giống cho đời theo đúng nghĩa đen.
Các nhà khoa học, không phân biệt quốc tịch, khi nghĩ về nhân loại thì họ có thể hy sinh tính mạng một cách không thể vĩ đại, cao đẹp hơn. Chúng ta cũng mong các nhà khoa học Việt Nam có thể tạo ra được nhiều hạt giống tốt giúp ích cho nền nông nghiệp nước nhà, để xứng đáng với cái danh những người ở Viện Hàn lâm.
Tất nhiên, khoa học thì phải có nền tảng không thể ngày một ngày hai. Nhưng cái mà tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng giới khoa học có thể học ngay được là tinh thần vì tương lai của số đông mà các nhà khoa học cộng sự của Vavilov để lại.
Không cần phải quyết tử, không cần phải nghĩ cho cả thế giới mà chỉ cần hy sinh một chút, chịu thiệt một chút vì con người, vì nhân dân mình. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hãy tạm gác những đòi hỏi chỉ tiêu thu thuế, thu ngân sách, để kiến nghị giảm thuế phí xăng dầu cho bớt căng thay vì cứ chờ Chính phủ kêu mới làm. Bộ GD-ĐT chịu nghĩ một chút, chịu thiệt một chút để phụ huynh bớt lo giá sách tăng. Bộ Giao thông vận tải chịu nghĩ một chút, chịu đốc trách hơn một chút để quy hoạch cao tốc cho các tỉnh phía nam nhanh hơn, tương xứng hơn với trọng trách kinh tế trước hết là vùng an ninh lương thực…
Hãy nghĩ về hạt cơm mà mọi người đang ăn. Ca dao xưa có câu: "Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần". Chả nhẽ cái đắng cay đó còn do sưu thuế thời xưa chăng?
Hạt cơm ngày nay không chỉ là sản phẩm từ sự hy sinh của nhóm Vavilov mà giờ còn chứa cả giá phân bón tăng, tác động từ giá xăng dầu tăng, bao gồm cả thuế phí chiếm khá nhiều trong đó.
Hãy để lý tưởng phục vụ nhân dân kiểu Vavilov và cộng sự đi vào thực tế chứ không phải trong câu chuyện hay khẩu hiệu.