Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Có trường hợp khai thuế BĐS 500 triệu, sau khai lại 10 tỉ

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:53, 02/06/2022

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết có nhiều trường hợp ban đầu kê khai 500 triệu đồng nhưng sau đó kê khai lại là 10 tỉ, gấp đến 20 lần, có trường hợp gấp đến 40 lần.

Ban đầu khai 500 triệu, sau khai lại…10 tỉ

Ngày 2.6, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2021 dịch bệnh khắc nghiệt nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ và nội lực của nhân dân, chúng ta đã thu được nhiều thắng lợi, GDP tăng 2,58%, thu ngân sách vượt 16,8%, CPI 1,84% và nợ công, bội chi ngân sách 3,41%.

“Chúng ta chuẩn bị đầy đủ kinh phí, nguồn lực để mua vắc xin chống dịch một cách thành công và tháo gỡ những khó khăn. Đây là những kết quả hết sức to lớn trong năm vừa qua”, ông Phớc nêu.

Về vấn đề thu ngân sách, Bộ trưởng Phớc cho biết nhiều ý kiến cho rằng là thu chủ yếu từ đất và từ dầu thô, trong đó thu từ đất là 185 nghìn tỉ đồng, chiếm 11% tổng thu ngân sách. Thu từ dầu thô đạt 44.000 tỉ, có nghĩa là 2,9%, như vậy là chỉ chiếm 14% tổng thu ngân sách thực hiện. Điều đó có nghĩa là năng lực về sản xuất kinh doanh của Việt Nam vẫn tốt.

hdp-2.jpg
Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội

Đối với vấn đề thu thuế bất động sản, ông Phớc cho hay nhiều đại biểu cho rằng ảnh hưởng đến người dân. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thuế và các nghị định liên quan, người nộp thuế phải kê khai thuế theo đúng hợp đồng, nếu thấp hơn thì tính theo bảng giá đất thời điểm nộp thuế.

Thời gian qua có sự trốn thuế và trục lợi về thuế nên Bộ Tài chính đã có 2 văn bản chỉ đạo siết chặt vấn đề thuế đúng với giá trị mua bán. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm đã thu được 16.200 tỉ đồng, vượt thu so với cùng kỳ năm 2021 là 6.600 tỉ; có những trường hợp đại biểu có nhiều trường hợp ban đầu phải kê khai 500 triệu nhưng sau đó được giải thích và kê khai lại là 10 tỉ. Có nghĩa gấp đến 20 lần, có trường hợp gấp đến 40 lần.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng có công điện nghiêm cấm cán bộ thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân. Nếu làm tốt công tác tiền phòng hậu kiểm sẽ không để các vụ án hình sự xảy ra. Người bán nhà mà “2 hợp đồng” sau bị phát hiện sẽ phạm tội trốn thuế; còn ngoài ra, nếu có tình trạng cơ quan thuế nhũng nhiễu, lót tay, trục lợi, hối lộ thì sẽ xử xử lý nghiêm.

Bộ Tài chính cũng sẽ đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, xây dựng dữ liệu về mua bán bất động sản để minh bạch hơn trong quá trình thu thuế bất động sản.

Thị trường chứng khoán đang phát triển tốt

Về thị trường chứng khoán, ông Phớc cho biết gồm có thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh. Vừa qua, có thể nói thị trường rất tốt. Thực ra, thị trường chứng khoán các nước tiên tiến đã có trên 500 năm, còn chúng ta mới có 20 năm nhưng cũng được đánh giá là khá tốt. Đây là kênh huy động vốn, kênh đầu tư trung và dài hạn.

Năm 2021, thị trường cổ phiếu đạt 7,74 triệu tỉ đồng, chiến hơn 9% GDP, tăng trưởng 46,7% so với năm 2020.

hdp.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu trước Quốc hội

Thị trường trái phiếu của doanh nghiệp đạt 1,37 triệu tỉ đồng năm 2021, bằng 15% GDP. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp so với nhiều nước, ví dụ Trung Quốc hơn 35%, Nhật Bản 17,4%, Hàn Quốc 86,4%, Thái Lan 25%... Như vậy Việt Nam vẫn có tiềm năng tốt để huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, về một số vụ việc sai phạm của thị trường thời gian vừa qua so với Luật Chứng khoán như thao túng chứng khoán, giả mạo hồ sơ, tài liệu, lừa dối khách hàng đang được cơ quan điều tra xử lý nghiêm minh.

Bộ Tài chính đã có 5 thông cáo báo chí nói lên những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ để nhà đầu tư cẩn trọng. Bộ cũng đã có công điện yêu cầu kiểm tra việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, kiểm tra các công ty kiểm toán độc lập…

Ông Hồ Đức Phớc cho rằng phải sửa Luật Chứng khoán, Nghị định 153 vì luật không khống chế điều kiện phát hành, ví dụ nhiều khi doanh nghiệp lỗ cũng được phát hành; không khống chế mục đích phát hành, không quy định vốn, nợ, chỉ tiêu nợ trên vốn chủ sở hữu…

Trả lời báo chí trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết về quan điểm của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Mục đích của các cơ quan quản lý nhà nước là bảo đảm cho thị trường chứng khoán phát triển triển lành mạnh, minh bạch; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, quyền lợi của doanh nghiệp và nhà phát hành hoạt động bình đẳng, minh bạch.

“Bộ Tài chính sẽ bám sát quy định của pháp luật để ngăn ngừa sai phạm và xử lý sai phạm; đồng thời đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, thực hiện “tiền phòng hậu kiểm để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và các công ty hoạt động trên thị trường chứng khoán một cách bình đẳng, minh bạch và có giá trị đúng đắn nhất. Đây là một trong những mục tiêu Bộ Tài chính đặt ra nhằm đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Lam Thanh