Đại biểu Lã Thanh Tân: Cần xử lý chất thải sinh hoạt theo công nghệ hiện đại thay vì chôn lấp
Sự kiện - Ngày đăng : 14:39, 02/06/2022
Sáng 2.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng bày tỏ thống nhất với 12 nhóm giải pháp về kinh tế- xã hội mà Chính phủ đề xuất.
Trong đó, triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả. Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả. Đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục và giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng thương mại và hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội…
Các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung cao độ cho triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển; phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; trong quý IV năm 2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Để góp phần tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân đề nghị Chính phủ, các ộ, ngành có liên quan đặc biệt quan tâm tới cơ chế, chính sách xử lý chất thải sinh hoạt đô thị.
Đại biểu cho biết, hiện nay mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt, trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%.
Theo dự báo đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng thêm từ 10 -16 %, trong khi điều kiện hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ, trình độ, năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị hóa.
Đại biểu cho rằng, vấn đề xử lý chất thải sinh hoạt đã và đang phát sinh nhiều áp lực đối với môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng.
Thực tế, tại một số tỉnh, thành đã xảy ra tình trạng người dân tập trung phản đối, ngăn chặn xe chở rác, không cho xe chở rác vào bãi chôn lấp do tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu vực lân cận.
Vì vậy áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng lớn khi việc mở rộng các bãi chôn lấp rác ngày càng gặp nhiều khó khăn vì không nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân địa phương.
Đại biểu nhấn mạnh, chúng ta cần tăng cường triển khai áp dụng các biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường để thay thế dần các biện pháp chôn lấp rác thải.
Đây là giải pháp hết sức cấp bách, mang tính căn cơ và lâu dài.