TP.HCM: Vì sao các trạm y tế thiếu thuốc BHYT?
Sự kiện - Ngày đăng : 20:10, 02/06/2022
Chiều 2.6 bà Lê Thiện Quỳnh Như – Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết tình trạng thiếu thuốc BHYT tại các trạm y tế cũng tương tự vì vừa thiếu thuốc, vừa không có bác sĩ kê toa do ở một số trạm có bác sĩ đã xin nghỉ.
“Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua, các Trạm Y tế chủ yếu thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và theo dõi, quản lý, tư vấn bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát nên các Trạm Y tế trở lại nhiệm vụ khám bệnh ban đầu cho người bệnh BHYT. Trong giai đoạn chuyển tiếp, việc cung ứng thuốc tại Trạm Y tế đã có hiện tượng thiếu một số thuốc nhất định”, bà Như giải thích.
Theo bà Như, Trạm Y tế hiện là cơ sở khám, chữa bệnh hạng 4 nên theo quy định sẽ được cung ứng danh mục thuốc theo hạng 4 tại Thông tư 30/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, nên sẽ thiếu một số thuốc khi người bệnh mạn tính chuyển về khám tại Trạm Y tế từ các Bệnh viện (các bệnh viện của TP hiện là những bệnh viện hạng 1, 2). Trong khi đó các Trạm Y tế chưa thực hiện việc phê duyệt danh mục kỹ thuật và danh mục thuốc vượt hạng theo quy định.
Bên cạnh đó, hiện nay số người đến khám tại các Trạm Y tế chưa nhiều nên việc mua sắm thuốc tại các Trạm Y tế cũng đang gặp khó khăn do không có nhà thầu tham gia cung ứng thuốc.
“Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại Trạm Y tế, ngày 31.5.2022, Sở Y tế đã tổ chức họp với các Trung tâm y tế và Trạm Y tế. Sở Y tế cũng thông tin về việc thực hiện lập danh mục thuốc vượt tuyến tại các Trạm Y tế, quy trình mua sắm thuốc. Tuy nhiên, về lâu dài việc mua sắm thuốc tại các Trạm Y tế nên thực hiện theo hướng mua sắm tập trung để đảm bảo lựa chọn nhà thầu tham gia cung ứng”, bà Như chia sẻ.
Liên quan đến dịch bệnh sốt xuất huyết, bà Như nhận định tình hình sốt xuất huyết năm nay có khả năng số ca mắc sẽ tăng cao.
Đây là bệnh dịch lưu hành tại khu vực phía Nam. Bệnh gia tăng vào mùa mưa và thường có chu kỳ khoảng 3-4 năm sẽ có 1 năm số ca mắc tăng cao hơn những năm khác. Năm 2020 có số ca mắc cao khoảng 25.900 ca, đến năm 2021 khoảng 12.600 ca.
Từ nhiều năm qua, hệ thống điều trị của TP đã có kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị bệnh sốt xuất huyết, đồng thời còn đóng vai trò hỗ trợ tuyến cho các tỉnh trong khu vực miền trung - Tây nguyên - miền đông và Tây nam bộ. Các chuyên gia tại các bệnh viện tuyến cuối của TP (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TP) là những người đã tham gia xây dựng hướng dẫn quốc gia về sốt xuất huyết - phiên bản mới nhất là Quyết định 3705/QĐ-BYT 2019 hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue.
Trong hướng dẫn này, việc phân tuyến điều trị bệnh đã được quy định rất chi tiết, trong đó có chỉ định điều trị ngoại trú, chỉ định nhập viện điều trị....
“Để chuẩn bị cho công tác điều trị sốt xuất huyết năm nay, trong thời gian vừa qua Sở Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn lại cho các trạm y tế, trung tâm y tế, phòng khám; các bệnh viện quận, huyện, bệnh viện đa khoa. Sở Y tế cũng đã có các công văn chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền để bảo đảm điều trị sốt xuất huyết”, bà Như nói.