Triều Tiên bị phản đối khi làm chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị

Chuyển động - Ngày đăng : 10:50, 03/06/2022

Đại sứ CHDCND Triều Tiên Han Tae-Song đưa ra phát ngôn gây tranh cãi sau khi nước này được trao vị trí chủ tịch luân phiên Hội nghị Giải trừ quân bị (CD).

“Đất nước chúng tôi vẫn đang có chiến tranh với Mỹ”, Đại sứ Han tuyên bố ngày 2.6. Khoảng 50 quốc gia đã bày tỏ sự phẫn nộ khi quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Triều Tiên lại giữ vai trò chủ trì diễn đàn giải trừ quân bị đa phương quan trọng nhất thế giới trong 3 tuần tới.

Hội nghị Giải trừ quân bị tập trung thương thuyết đa phương vấn đề kiểm soát vũ khí để đạt được các thỏa hiệp giải trừ quân bị. Vị trí chủ tịch được trao cho Triều Tiên theo thông lệ luân phiên giữa 65 quốc gia thành viên dựa theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Anh.

tr215c9d6c27b8f3aff991f2146223734f57467e3c.jpg
Đại sứ Triều Tiên nhận vai trò chủ tịch CD - Ảnh: Channel News Asia

Hàng loạt tổ chức phi chính phủ đều lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên tỏ ý phản đối bằng cách rời khỏi phòng họp. Không thành viên nào chọn làm vậy nhưng nhiều nước chỉ cử đại diện cấp thấp tham dự, trong khi Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc cùng Liên minh châu Âu (EU) nhân dịp chỉ trích Triều Tiên vì vụ phóng tên lửa đạn đạo và kế hoạch chuẩn bị thử hạt nhân sắp tới.

Đại sứ Úc Amanda Gorely phát biểu: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc những hành động liều lĩnh của Triều Tiên tiếp tục làm suy yếu nghiêm trọng giá trị của Hội nghị Giải trừ quân bị”. Bà nhấn mạnh chọn ở lại phòng họp không có nghĩa họ ngầm chấp nhận hành vi vi phạm luật pháp quốc tế mà Bình Nhưỡng thực hiện.

Trước phát biểu trên, Đại sứ Han chỉ trả lời ngắn gọn: “Chủ tịch lưu ý tuyên bố của bà”. Ông cũng nhấn mạnh Triều Tiên chỉ là tự vệ trước mối đe dọa từ Mỹ.

Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhận xét việc để cho Triều Tiên - quốc gia có nhiều hành động đi ngược quy tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân - giữ chức chủ tịch khiến vai trò của CD bị nghi ngờ.

Cẩm Bình