Xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi): Tránh lợi ích cục bộ của các bộ, ngành

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:22, 03/06/2022

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.

Sáng 3.6, trình bày Tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết thời gian qua hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh những vướng mắc, bất cập.

Cụ thể, một số vấn đề đã được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác; một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới luật cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các luật khác có liên quan…

Bộ trưởng Diên nêu rõ việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng.

Đồng thời, phải bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia, bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.

nguyen-hong-dien.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, nội dung của dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) giải quyết 6 nhóm chính sách, ví dụ chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí; chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí…

Thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi).

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án luật, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo về tác động của việc các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn không được quy định tại Luật Dầu khí đối với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị dầu khí và việc quản lý toàn diện, đồng bộ hoạt động dầu khí.

Hoạt động vận chuyển, tồn trữ, phân phối, xử lý, chế biến là hoạt động đầu tư kinh doanh có điều kiện, thực tế có nhiều yếu tố đặc thù, cần có quy định riêng điều chỉnh theo hướng chặt chẽ, phù hợp với đặc tính của hoạt động.

Ngoài ra, dự án luật có quy định về triển khai dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ bao gồm phát triển khai thác, vận chuyển, xử lý dầu khí, thực chất là điều chỉnh một số hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn; Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo về tính phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án luật.

vu-hong-thanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể tại điều 4 dự thảo luật theo nguyên tắc bảo đảm tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí.

Đồng thời, cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật đối với các nội dung có liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công.

Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về “điều kiện đầu tư kinh doanh” trong lĩnh vực dầu khí.

Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo rõ về trường hợp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan này và nghiên cứu, bổ sung quy định rõ ràng, đầy đủ về: cơ chế thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí; các tiêu chí, điều kiện xác định trường hợp cơ quan quản lý nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí; cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia; hình thức ghi nhận sự thỏa thuận giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân…

Lam Thanh