Ukraine gắng cầm cự với Nga tại Donbas để chờ vũ khí Mỹ viện trợ

Quốc tế - Ngày đăng : 13:04, 03/06/2022

Việc Nga thúc đẩy quyền kiểm soát Donbas đã trở thành một cuộc chạy đua đối với Điện Kremlin, với hy vọng sẽ gây áp lực quan trọng lên Kyiv trước khi các chuyến hàng vũ khí phương Tây đến nơi.

“Tính đến ngày hôm nay, khoảng 20% ​​lãnh thổ của chúng tôi nằm dưới sự kiểm soát của những người chiếm đóng”, ông Zelensky cho biết trong một bài phát biểu trước các nhà lập pháp ở Luxembourg hôm 2.6.

Tính cụ thể, Zelensky ước đoán rằng lực lượng Nga chiếm khoảng 48.000 dặm vuông lãnh thổ Ukraine - một khu vực lớn hơn tổng diện tích của bang New York.

Các lực lượng Ukraine hôm 1.6 đã bắt đầu rút lui vào khỏi Severodonetsk, cứ điểm cuối cùng của Ukraine ở Luhansk, một trong hai tỉnh tạo nên vùng Donbas.

Thành phố đã bị pháo kích của Nga và chính quyền địa phương ước tính hơn 90% công trình kiến ​​trúc của thành phố đã bị thiệt hại nặng nề.

Cách biên giới Nga 90 km và từng là nơi sinh sống của hơn 100.000 người, dân cư Severodonetsk phần lớn đã được sơ tán, nhưng Thị trưởng Oleksandr Stryuk cho biết cuộc giao tranh gây nguy hiểm cho khoảng 13.000 người còn mắc kẹt trong thành phố.

Tuy nhiên, Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai cho biết, các cuộc tấn công đáp trả của Ukraine vẫn tiếp tục xảy ra khắp thành phố.

Haidai cho biết đã xảy ra giao tranh dữ dội trên đường phố Severodonetsk, đã cản trở nỗ lực sơ tán. Ông cho biết một số thường dân đã bắt đầu đến trú ẩn tại nhà máy hóa chất Azot gần trung tâm thành phố.

Zelensky cho biết thêm rằng các lực lượng Ukraine đang chiến đấu dọc theo chiến tuyến dài 1.000 cây số từ thành phố đóng tàu Mykolaiv ở phía nam đến Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, ở phía đông bắc.

Theo New York Post, việc Nga thúc đẩy quyền kiểm soát Donbas đã trở thành một cuộc chạy đua đối với Điện Kremlin, với hy vọng sẽ gây áp lực quan trọng lên Kyiv trước khi các chuyến hàng vũ khí phương Tây đến nơi.

Hôm 1.6, Nhà Trắng cho biết họ sẽ cung cấp các bệ phóng tên lửa tầm trung (dưới 70km) cho Ukraine thay vì bệ phóng tên lửa tầm xa 300 km như Ukraine mong ngóng. Mỹ lo ngại việc cấp vũ khí tầm xa sẽ khiến Ukraine bắn sang lãnh thổ Nga và mọi thứ sẽ mất kiểm soát.

Trong khi đó, Đức tuyên bố sẽ gửi các hệ thống phòng không và radar còn xe tăng thì phải chờ đến tháng sau thì may ra mới tới nơi.

Vương quốc Anh cũng cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine các bệ phóng tên lửa chính xác và hỗ trợ huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng chúng.

Dự kiến ​​sẽ mất khoảng ba tuần để vũ khí của Mỹ có thể đến tay những người lính ngoài mặt trận. Không biết liệu khi đó, quân Ukraine còn trụ lại được ở Donbas hay không?

Anh Tú