Quản lý phim trên mạng: Cần cơ chế để ngăn phim thiếu lành mạnh

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:40, 03/06/2022

“Quan điểm về quản lý đưa ra là quản trong nước như thế nào thì quản nước ngoài như thế, phải bình đẳng”, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông nói.

Ngăn sản phẩm độc hại từ OTT xuyên biên giới

Tại buổi thảo luận về Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Quốc hội, các đại biểu cho rằng với sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, khối lượng phim trên không gian mạng rất lớn. Đồng thời nhu cầu sử dụng ứng dụng xem phim trên không gian mạng chiếm phần lớn lưu lượng truy cập trên internet, khiến thị trường phim trên không gian mạng phát triển ngày càng sôi động.

Tuy nhiên, bên cạnh các bộ phim hay cũng còn những bộ phim thiếu lành mạnh, lạm dụng hình ảnh bạo lực, phản cảm. Do vậy, cần có những quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này.

Khoản 5 điều 21 của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang quy định về “Phổ biến phim trên không gian mạng” như sau: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra nội dung phim, việc tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định của pháp luật".

ott-qh3.jpg
Vì sao lại cho rằng tiền kiểm đối với các nền tảng OTT là bất khả thi?

Nhiều ý kiến cho rằng ngoài các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định của pháp luật thì cũng cần phải quy định việc kiểm tra nội dung phim phải được thực hiện trước khi có quyết định cho phép phổ biến phim trên không gian mạng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: Vì sao lại cho rằng tiền kiểm đối với các nền tảng OTT là bất khả thi, còn đối với điện ảnh trong nước lại tiền kiểm?

Đại biểu phân tích thêm, ngành điện ảnh Việt Nam có thể ngưng lúc nào cũng được, thậm chí có thể xử lý hình sự nêu vi phạm pháp luật hình sự. Nếu quy định như vậy thì nền điện ảnh Việt Nam bị ràng buộc, trói buộc, cản trở rất nhiều và mất đi sức cạnh tranh đối với OTT.

Cho rằng việc quản lý chưa hiệu quả các nền tảng không gian mạng đã gây nên tổn thương không nhỏ đến đời sống tinh thần của xã hội, đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu quan điểm cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc quy định cơ chế hậu kiểm đối với quản lý phim trên không gian mạng, để giảm thiểu các tình trạng xuyên tạc sự thật lịch sử, đưa các thông tin xấu, độc.

ott-qh2.jpg
DDBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu quan điểm về quản lý OTT xuyên biên giới

Đại biểu đề nghị cần đánh giá thận trọng những nguy hiểm khôn lường của các nền tảng xuyên biên giới; tiếp tục rà soát các quy định tại điểm a, Khoản 2 Điều 18; điểm b Khoản 2 Điều 41 và Khoản 1 Điều 27 dự thảo Luật về hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng; đảm bảo khi các quy định của luật có hiệu lực thì các nền tảng xuyên biên giới không có được được bất kỳ cơ hội nào xâm lấn bờ cõi tư tưởng văn hóa của người xem.

Bình đẳng trong quản lý DN trong và ngoài nước

Trả lời báo chí, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng hiện nay tiền kiểm hay hậu kiểm đều là biện pháp quản lý. Đã là biện pháp quản lý thì phải đặt mục tiêu chặt nội dung trên các nền tảng trong nước và nước ngoài phải chặt như nhau.

“Chúng ta không đặt vấn đề phim trong nước hay nước ngoài mà đã là quản lý thì phải chặt để làm sao phim đó có nội dung đảm bảo thuần phong mỹ tục, không ảnh hưởng đến người xem trong nước”, ông Phúc nói.

phuc.jpg
Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông - Ảnh: Báo Công Luận

Ông Lưu Đình Phúc cũng cho rằng hậu kiểm phải có công cụ để gỡ được phim. Nhưng hiện nay cả tiền kiểm và hậu kiểm là quan điểm đưa ra trên nghị trường có nhiều ý kiến khác nhau.

“Tiền kiểm thực tế có rất nhiều phim mà phim không chỉ xuất hiện trên các nhà cung cấp dịch vụ mà các phim còn đưa được trên các nền tảng khác nhau như YouTube chẳng hạn. Nên nếu tiền kiểm phim thì rất nhiều và gây áp lực lớn với công tác quản lý. Còn hậu kiểm nếu làm không tốt sẽ là vấn đề mở toang và tác động văn hóa rất lớn trong khi phim ở rạp và trên truyền hình Việt Nam thì đang tiền kiểm", ông Phúc nói.

Ông Phúc cho rằng không nên quy định cứng nhắc quá nhưng hoạt động quản lý phim mà phải đảm bảo nguyên tắc quản lý chung.

"Phim phải được biên tập và phân loại, không phân biệt phim trong nước hay nước ngoài. Các phim phải được thực hiện biên tập và phân loại nhưng chủ thể làm việc này phải là phía Việt Nam”, ông Phúc nói và cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp phim vào Việt Nam phải có tư cách pháp nhân ở Việt Nam.

Ông Phúc cũng nêu rằng phải đảm bảo các chế tài xử lý tùy thuộc vào mức độ vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới. Trong luật phải có quy định hình thức xử lý phù hợp đủ sức răn đe, nếu cố tình không chấp hành hay vi phạm nhiều lần có thể chặn dịch vụ.

Hiện nay có ý kiến cho rằng các quy định cũ chỉ đang thiên về bảo hộ cho nước ngoài, ông Phúc nêu quan điểm rằng cần phải “quản trong nước như thế nào thì quản nước ngoài như thế, phải bình đẳng” và “phim chiếu rạp, phim truyền hình đang tiền kiểm bằng cách phân loại, biên tập thì với phim trên các nền tảng OTT cũng phải quản bình đẳng như nhau”.

ott-qh.jpg
Quản lý công bằng giữa OTT trong nước và nước ngoài

Các OTT có cả phim, gameshow giải trí, tin tức. 1 app có nhiều loại hình dịch vụ khác nhau nên cần phân loại.

Với phim thì cần thực hiện theo Luật Điện ảnh, ví dụ phim liên quan đến lịch sử, văn hóa, chính trị Việt Nam thì phải phân loại để biên tập còn những loại phim giải trí khác thì có thể giao cho doanh nghiệp biên tập trên cơ sở tiêu chí của Việt Nam. Các gameshow có thể giao cho đơn vị cung cấp phim, ví dụ như Netflix có chương trình gameshow thì phải biên tập theo quy định của Việt Nam, tự doanh nghiệp phải biên tập. Còn với tin tức mang tính chất báo chí thì phải thực hiện biên tập theo Luật Báo chí...

Sơn Lam