Tại sao Nga vẫn được thiện cảm tại nhiều nước châu Phi giữa lúc bị Phương Tây bao vây?

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:21, 04/06/2022

Politico nhận định nếu không phải vì Phương Tây gây áp lực hậu trường thì hầu hết các nước châu Phi sẽ bỏ phiếu trắng trong nghị quyết lên án Nga tại Đại hội đồng LHQ.

Hồi sinh quan hệ với các quốc gia châu Phi trong vài năm qua, Điện Kremlin đã và đang tăng cường hợp tác kinh tế và quân sự - đặc biệt là với các quốc gia từng có quan hệ thân thiết với Liên Xô. Khi đó, Liên Xô đã ủng hộ các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp châu Phi.

Vào năm 2019, tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi đầu tiên của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh, một sự kiện mà các quan chức Điện Kremlin cố gắng quảng bá để nhấn mạnh việc Nga quay lại lục địa này. Chuyên gia Nga, các nhà thầu quân sự đã đến các quốc gia lục địa đen bị Phương Tây chê là tham nhũng, độc tài.

Đối với nhiều nhà lãnh đạo châu Phi, cuộc khủng hoảng lương thực là biểu tượng cho cách các cường quốc phương Tây đối xử với lục địa đen; chỉ chú ý đến châu Phi khi phương Tây muốn hoặc cần một thứ gì đó và dễ dàng bỏ qua nó họ không cần.

Mặc dù việc Nga bị truyền thông phương Tây cáo buộc vi phạm các chuẩn mực toàn cầu thực sự đã khiến nhiều người ở châu Phi bị sốc, nhưng vẫn còn nhiều người tin vào cách diễn giải của Nga và nghi ngờ tuyên truyền của phương Tây. Đông đảo hơn cả vẫn lo lắng về nhu cầu và lợi ích trước mắt của mình - từ nạn đói đến chiến tranh, xung đột. Các nhà ngoại giao từ châu Phi và Trung Đông phàn nàn các đối tác châu Âu của họ tại LHQ chỉ chăm chăm bàn việc Ukraine, và các sự kiện đang diễn ra ở châu Âu.

“Điều mà họ (phương Tây) dường như không đánh giá cao là đối với chúng tôi, họ dường như đang nói rằng cuộc sống của người châu Âu quan trọng hơn cuộc sống của người châu Phi”, một đặc phái viên châu Phi tại Brussels nói với Politico. Vị này nói thêm: “Cả Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italia Mario Draghi đều đến với chúng tôi để tìm cách đa dạng hóa nguồn năng lượng của họ - trong khi chúng tôi cần trợ giúp về thực phẩm”.

Và khi các cường quốc phương Tây cam kết hỗ trợ Ukraine, viện trợ nước ngoài ngày càng trở nên khó đảm bảo cho châu Phi, nơi một cuộc khủng hoảng lương thực toàn diện có thể để lại số người chết cao hơn Ukraine.

Tại một cuộc họp báo hôm 31.5 ở Mogadishu, ông Abdurahman Abdishakur Warsameh - đặc phái viên của Somalia về các vấn đề nhân đạo, cảnh báo rằng hơn 6 triệu người Somalia ở 72 trong số 84 tỉnh trên toàn quốc đã bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán kỷ lục. Và hạn hán đang nhanh chóng biến thành nạn đói, rồi sẽ sớm biến thành chết chóc. Ông lưu ý rằng LHQ và các cơ quan viện trợ khác đã yêu cầu 1,4 tỉ USD để cứu trợ hạn hán nhưng cho đến nay chỉ nhận được 58 triệu USD. Warsameh đổ lỗi cho cuộc chiến ở Ukraine khiến các nhà tài trợ mệt mỏi. Vừa qua, Quốc hội Mỹ vừa thông qua gói viện trợ 40 tỉ USD cho Ukraine với phần nhiều trong đó là dành cho vũ khí.

Các nước láng giềng ở vùng sừng, bao gồm Ethiopia và Kenya, cũng dễ bị tổn thương. Nigeria phía tây Phi cũng vậy, nơi giá cả các loại thực phẩm cơ bản đang vượt quá tầm với của các hộ gia đình bình dân. Thiếu nguyên liệu là thức ăn cơ bản cho vật nuôi, chẳng hạn như ngô, vì sản lượng thấp. Và chi phí cao của các khoáng chất và vitamin được sử dụng trong chăn nuôi gia cầm đang làm giá trứng và thịt gà tăng vọt.

Và không chỉ ở châu Phi mới có những dấu hiệu đáng báo động về tình trạng mất an ninh lương thực. Tại Sri Lanka, lạm phát gia tăng đã dẫn đến tình trạng khẩn cấp về kinh tế cũng như tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu cực kỳ nghiêm trọng.

Các nhà lãnh đạo phương Tây hiện đang bắt đầu cố gắng và nêu bật những điểm tương đồng giữa cuộc đấu tranh vì độc lập của Ukraine với cuộc đấu tranh của các quốc gia châu Phi và châu Á để thoát khỏi chủ nghĩa thực dân trước đây (trớ trêu là các nước thực dân trước đây đều là Phương Tây nên người dân châu Phi càng thiếu thiện cảm với họ). Họ cũng nhấn mạnh rằng thực phẩm, phân bón và hạt giống được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Nhưng trừ khi phương Tây đưa ra các kế hoạch thực tế nhanh chóng để giúp giảm thiểu nạn đói đang ngày càng tồi tệ hơn do cuộc chiến ở Ukraine, mọi thứ còn lâu mới kết thúc.

Ngày 3.6, Tổng thống Vladimir Putin tiếp người đồng cấp Senegal tại Sochi (Nga), với chương trình nghị sự là tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và việc nguồn cung cấp ngũ cốc bị kẹt ở các cảng của Ukraine.

Sau cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ đồng hồ, ông Sall nói: “Tôi nhận thấy Tổng thống Vladimir Putin đã cam kết và nhận thức được cuộc khủng hoảng, cũng như việc các lệnh trừng phạt tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho các nền kinh tế yếu kém, chẳng hạn như các nền kinh tế châu Phi”.

Tổng thống Senegal cho biết, ông rời Nga mà “rất yên tâm và rất vui với các cuộc trao đổi của chúng tôi”.

Theo Chủ tịch AU, Tổng thống Putin "nói rằng, có một số cách để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu" hoặc thông qua cảng Odessa ở Biển Đen, điều rất khó khăn vì Ukraine phải rà phá thủy lôi” hoặc qua cảng Mariupol do Nga kiểm soát trên Biển Azov.

theo Báo quốc tế

Anh Tú