Luật sư đề nghị tăng chế tài đối với hành vi sử dụng chất kích thích khi lái xe
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:15, 04/06/2022
Chiều 4.6, Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 107/QĐ-CQĐT; Quyết định khởi tố bị can số 166/QĐ-CQĐT; Lệnh tạm giam số 104/LTG đối với Nguyễn Đức Thịnh, sinh năm 1987, trú tại số nhà 09, đường Đào Sư Tích, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang về hành vi “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 260 Bộ Luật hình sự.
Theo Công an thành phố Bắc Giang, tối 2.6 tài xế Nguyễn Đức Thịnh cán bộ Ban quản lý Bảo trì đường bộ (Sở Giao thông vận tải Bắc Giang) đi dự tiệc chia tay cơ quan cũ và có sử dụng rượu bia, hát karaoke.
Đến khoảng 23 giờ 30 đêm 2.6, Nguyễn Đức Thịnh điều khiển xe ô tô Audi mang BKS 98A-499.44 đi đến ngã 4 Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ, thuộc P. Ngô Quyền, TP Bắc Giang đâm vào xe máy mang BKS 98B1-755.90 do anh Nguyễn Mạnh H. trú tại phường Thọ Xương điều khiển chở theo vợ và con gái. Hậu quả làm 3 người tử vong tại chỗ.
Kết quả kiểm tra cho thấy, nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế Nguyễn Đức Thịnh là 0,604 mg/lít; test nhanh không sử dụng ma túy. Khi bị tạm giữ, tài xế không có biểu hiện bất thường nhưng Công an TP Bắc Giang vẫn lấy mẫu máu gửi Viện Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) giám định chất ma túy để có kết quả chính xác.
Thông tin với Một Thế Giới, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng hành vi sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác khi điều khiển ô tô gây hậu quả nghiêm trọng cần phải tăng chế tài mới đủ sức răn đe. Theo ông Thơm, cần phòng ngừa ngay từ ban đầu chứ không để hậu quả xảy ra rồi mới xử lý.
Luật sư Thơm cho hay, thời gian qua, trên cả nước xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng chủ yếu là do ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của còn kém, coi thường tính mạng bản thân và người khác. Trong đó có nguyên nhân do người lái xe sử dụng rượu bia, ma túy hay chất kích thích khác gây ra gây phẫn nộ trong dư luận xã hội, đòi hỏi phải có chế tài xử lý nghiêm minh mới có tác dụng răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Theo quy định hiện hành, việc xử lý lái xe ô tô sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác gây hậu quả nghiêm trọng được xếp vào nhóm tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông với lỗi vô ý (Điều 260 Bộ luật hình sự).
Do đó, hình phạt cao nhất của nhóm tội phạm này cao nhất không quá 15 năm nên chế tài xử lý hình sự này chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Đặc biệt, loại tội phạm này đang có xu hướng gia tăng gây lo lắng và bức xúc cho người dân khi tham gia giao thông.
“Sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiển ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ là hành vi coi thường pháp luật, bất chấp tính mạng, tài sản của người khác”, ông Thơm nói.
Luật sư Thơm cho rằng pháp luật buộc công dân phải nhận thức được khi đưa vào cơ thể mình rượu bia hay chất kích thích mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, thấy trước được hậu quả có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả.
Trong trường hợp này, lỗi của người vi phạm thuộc lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm đến đó. Nếu chết người sẽ phải chịu trách nhiệm về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự hoặc hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì phải chịu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.