Chậm hỗ trợ tiền thuê nhà: Do cán bộ lúng túng, DN tự ý thêm thủ tục...

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:59, 04/06/2022

Lý giải việc chậm hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà cho biết có cán bộ địa phương lúng túng trong hướng dẫn; do thủ tục đơn giản nhưng DN sợ trục lợi nên phát sinh thêm thủ tục...

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4.6, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho hay, đến ngày 3.6 đã có 19 tỉnh, thành phố nhận được hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà của DN.

Tổng số hồ sơ tiếp nhận đề nghị từ 2.007 DN với 46.461 lao động, hỗ trợ 33,2 tỉ đồng. Hồ sơ đã thẩm định phê duyệt là 319 DN với 21.361 lao động, số tiền đã quyết định phê duyệt là 25,4 tỉ đồng. Hồ sơ đã giải ngân là 100 DN với 6.297 lao động, số tiền 3,1 tỉ đồng.

Việc triển khai ở một số địa phương chậm do một số nguyên nhân như cán bộ địa phương gặp lúng túng trong hướng dẫn DN; một số nơi chưa bố trí kịp nguồn, chờ kinh phí ngân sách Trung ương phân bổ; một số DN e ngại người lao động trục lợi, nên tự ý phát sinh quy định, đòi người lao động cung cấp giấy tạm trú, hợp đồng thuê nhà, làm chậm tiến độ phê duyệt hồ sơ.

Ngoài ra, một số DN chưa chủ động, số lao động lớn. Vì Quyết định 08 có quy định gộp 2, 3 tháng, do đó nhiều DN với số lao động đông có tâm lý chờ 2, 3 tháng mới làm hồ sơ cho người lao động. Vì vậy, UBND cấp huyện nhận được rất ít, đang chờ các DN gửi hồ sơ lên.

Về giải pháp, Thủ tướng có Công điện số 431/CĐ-TTg 2022 tăng cường triển khai hỗ trợ người lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Về phía Bộ, bà Hà cho biết đã ban hành Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thành vào tháng 8.2022. Thực tế, thủ tục viết đơn xác nhận danh sách đơn giản, nhưng DN sợ trục lợi nên phát sinh thêm 2 nội dung thủ tục, làm chậm tiến độ.

“Chúng tôi đã công văn đề nghị UBND cấp tỉnh phối hợp phê duyệt danh sách, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động lập danh sách rà soát người lao động nhanh chóng hơn. Tăng cường phối hợp với các bộ ngành, tuyên truyền các chính sách, hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện sớm đi vào cuộc sống như đã nêu”, bà Hà nói.

ha.jpg
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà - Ảnh: VGP

Trước đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh Cũng chia sẻ, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, có đến 2,2 triệu người từ thành phố, từ khu kinh tế trọng điểm về nông thôn. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có việc người lao động sợ dịch bệnh, thu nhập bị giảm sút nhưng đặc biệt là nhà ở. Họ thiếu nhà và tiền thuê nhà chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu nhập của người lao động.

Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành chính sách trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế-xã hội, làm sao giữ chân được người lao động vì người lao động đã quay về thì đứt gãy chuỗi cung ứng lao động là rất lớn. Do đó, cần phải giữ chân người lao động đang làm việc để họ tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp. Một số lao động đã về quê, đang cảm thấy lo ngại về nhà ở thì giúp họ quay trở lại.

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, theo ông Thanh, thủ tục hết sức đơn giản, chỉ cần người lao động viết đơn, có giấy xác nhận của chủ trọ, gửi cho doanh nghiệp để lập danh sách gửi BHXH xác nhận, sau đó trình cho UBND cấp huyện thẩm định, rồi tỉnh phê duyệt là chi tiền được ngay cho người lao động.

“Vừa rồi chúng tôi đi kiểm tra và thấy rằng về cơ bản các địa phương đã ban hành hết kế hoạch để triển khai. Tuy nhiên, vẫn chậm hơn so với mong muốn. Đáng lẽ từ ngày 1.4 nhưng đến nay, các địa phương vẫn đang phê duyệt, một số địa phương đã chi trả rồi”, ông Thanh nói và cho biết đang yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa làm sao trong tháng 5, tháng 6 để người lao động cơ bản nhận được số tiền này.

Về lâu dài, ông Thanh cho rằng cần quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, Chính phủ đã dành khoảng 40.000 tỉ đồng, giao cho Bộ Xây dựng chủ trì để xây dựng nhà ở cho người lao động.

Ngoài ra, giao cho công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp, đồng thời huy động nguồn vốn xã hội, doanh nghiệp, để xây dựng nhà ở cho người lao động, giúp người lao động yên tâm làm việc với doanh nghiệp lâu dài hơn, cũng như giúp ổn định thị trường lao động trong thời gian tới.

Lam Thanh