Tướng Tô Ân Xô: Khám xét những vụ gần đây, có bị can chứa 10 tỉ trong ngăn kéo
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:05, 04/06/2022
Có bị can chứa 10 tỉ trong ngăn kéo
Thông tin về các vụ án Việt Á, Tân Hoàng Minh, FLC…, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay phải khẳng định rằng tất cả các bị can trong những vụ án Việt Á, Tân Hoàng Minh, FLC… đều vi phạm pháp luật hiện hành và chắc chắn họ sẽ bị xử lý bằng pháp luật.
Đồng thời, các bị can những vụ án này có đặc điểm là rất nhiều người trong số họ là cán bộ, đảng viên và lãnh đạo. Những bị can này phạm tội là do lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và vi phạm những quy định của người đứng đầu như hối lộ và nhận hối lộ.
“Các bị can là cán bộ, đảng viên trước tiên sẽ bị xử lý theo các quy định của đảng, sau đó sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật”, ông Xô nói.
Về dòng tiền, ông Xô cho hay đây là yếu tố rất quan trọng với cơ quan điều tra, từ đó tìm ra bản chất của vụ việc trong những vụ án này. Trong một số vụ án, khi khám xét thì có những bị can trong ngăn kéo có đến hơn 10 tỉ. Ví dụ, vụ Việt Á rất nhiều tiền. Như các bạn biết, trong lời khai là kiếm lãi khoảng 4.000 tỉ và bôi trơn khoảng 800 tỉ, đó là kênh để các nhà điều tra tìm ra.
Theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lực lượng Công an cũng đang tập trung hết sức để sớm có những kết quả.
“Còn ví dụ để chứng minh cho vấn đề trục lợi chính sách, theo cán bộ điều tra, chẳng hạn một chuyến bay "combo" (có trả phí) giải cứu, trừ các chi phí đi có thể số tiền lợi nhuận lên đến vài tỉ đồng một chuyến, mà có gần 2.000 chuyến bay”, ông Xô nói.
Tiếp nhận 557 đơn tố cáo của nhà đầu tư vụ FLC
Theo ông Xô, vụ FLC, kết quả điều tra ban đầu xác định từ ngày 1.9.2016-10.1.2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh thư nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán FLC và thu lợi bất chính, theo dự tính ban đầu là 975 tỉ đồng. Điều này đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các nhà đầu tư.
Hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn của các nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.
Cũng theo đại diện Bộ Công an, Công ty Việt Á cũng là do lợi dụng chính sách của Đảng và Chính phủ về các sản phẩm, chế phẩm y tế để cứu người bệnh, ngăn chặn dịch bệnh để trục lợi.
Tại cuộc họp báo, báo chí cũng đề cập đến việc thời gian qua, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới kê thực phẩm chức năng vào đơn, nhà thuốc bán đắt hơn giá thị trường, có dấu hiệu nhập nhèm hóa đơn thu chi tài chính. Hóa đơn thuốc lên đến tiền triệu vì thực phẩm chức năng.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay về kê đơn, Bộ Y tế đã nắm được. Theo quy định, bác sĩ chỉ được kê đơn thuốc. Bộ Y tế sẽ kiểm tra, có biện pháp xử lý phù hợp và thông tin kết luận tới báo chí trong thời gian sớm nhất.
Tăng học phí phải phù hợp
Nói về việc tăng học phí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết theo quy định của luật, Bộ GD-ĐT tham mưu Chính phủ ban hành quy định về khung học phí. Trước đây có Nghị định 86, hiệu lực đến hết năm học 2020-2021.
Năm 2021, Bộ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 81 quy định khung học phí của các cơ sở giáo dục công lập từ năm 2021, 2022 trở đi. Vào thời điểm chuẩn bị ban hành, dịch dã tương đối phức tạp, Bộ đã đề xuất và được giữ nguyên học phí năm học 2021-2022 như năm 2020-2021.
Về khung học phí đối với các năm học tiếp theo, đối với giáo dục phổ thông thì năm 2022 khung học phí đã đưa cụ thể trong Nghị định 81.
Từ các năm sau trở đi, HĐND các địa phương căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện kinh tế xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc điểm của địa phương, khả năng đóng góp thực tế của người dân… để quyết định khung học phí hoặc mức học áp dụng tại địa phương cho mầm non và giáo dục phổ thông; mức này quy định không quá 7,5%/năm.
Ông Sơn cho hay theo lộ trình học phí dự kiến đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho cấp đại học, còn đối với giáo dục mầm non và phổ thông thì đến năm 2030 tính đủ chi phí, đã kéo dài trong chủ trương tại Nghị quyết 19 của Trung ương. Nghị định quy định khung học phí, mức trần, sàn, các địa phương quy định mức học phí theo khung học phí.
"Mặc dù dịch dã đã đến thời gian trở lại bình thường, nhưng việc phục hồi kinh tế xã hội cần nhiều thời gian. Tại các địa phương còn nhiều gia đình khó khăn nên các địa phương công bố mức học phí. Còn ở các trường đại học mức độ tự chủ tài chính khác nhau", ông Sơn nói.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết Bộ đã có công văn ngày 23.5 gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân, khả năng đóng góp của người dân. Bộ cũng tăng cường thanh tra kiểm tra khoản thu học phí của các cơ sở giáo dục để đảm bảo tuyệt đối không xảy ra lạm thu đầu năm học.