Có bàn tay của trời nơi một tổng xa xôi?

Văn hóa - Ngày đăng : 14:04, 05/06/2022

"Bàn tay của trời" là vở kịch về Tư Chớp, một tướng cướp hung hãn và tinh ma. Tư Chớp đem tài sản cướp được xây dựng lớp vỏ bọc ông Bá Hộ lương thiện trong tổng.

Vở diễn Bàn tay của trời do đoàn kịch Hoàng Thái Thanh dựng, màn đầu mở ra với mối lo lớn nhất của Tư Chớp là bị pháp luật sờ gáy, thực chất là lo sợ các vị quan to đòi hối lộ quá đáng mà nếu từ chối sẽ bị xét xử trả thù bằng các bản án bỏ túi.

Khi người thiếp thứ tư mang thai, Tư Chớp bỗng loé lên suy nghĩ đem con trai mới sinh của mình đánh tráo con của ông đồ có tiếng hay chữ và đạo đức, đứa nhỏ này cũng ra đời cùng lúc với con Tư Chớp. Suy nghĩ ấy xuất phát từ việc Tư Chớp, người đang rất muốn có một đứa con đỗ đạt làm quan, dư biết không con người nào lớn lên trong môi trường tàn bạo và gian manh của gia đình ông ta có thể trở thành người có học thật sự. Muốn có người trí thức phải có môi trường đạo đức và tri thức!

vokichbantaytroi.jpg
Quốc Thịnh vai thầy đồ, Lê Nguyên Bảo vai Nhân, Thế Hải vai Đức, trong vở "Bàn tay của trời"- Ảnh: H.K

Việc đánh tráo thành công mỹ mãn. Để bí mật được bảo vệ, hai người biết chuyện phải chết đi, một đàn em thân tín thực hiện việc đánh tráo và bà mụ đỡ đẻ cho vợ ông đồ. Từ đó, Nhân, con Tư Chớp, được ông đồ nuôi dưỡng và Đức, con ông đồ được Tư Chớp nuôi như con. Chỉ có duy nhất Tư Chớp biết sự thật.

Mười bảy năm sau, con Tư Chớp, dưới lớp vỏ con của ông đồ đi thi và đỗ trạng nguyên. Ngày vinh quy bái tổ, cũng là ngày Tư Chớp công khai với bà con trong tổng Nhân, vị tân trạng, là con trai ruột của mình, Nhân bị Đức vì ganh ghét giết bằng rượu độc. Oan nghiệt thay, Nhân bị giết bằng rượu độc gia truyền của riêng gia đình Tư Chớp!

Khi thảo luận về vở kịch, nhiều người chú ý tới ý đồ của Tư Chớp là muốn con mình học giỏi, ra làm quan để gia đình Tư Chớp chuyển từ “cướp đêm” sang “cướp ngày”.

Quả thật Tư Chớp có ý đồ “cướp ngày”. Nhưng, trong khi đồng nhận xét như các bạn kia, tôi lại chú ý tới lời thố lộ của Tư Chớp rằng trong nhà có đứa con làm quan thì sự nghiệp “cướp đêm” của gia đình khó bị luật pháp lôi ra điều tra, mà có lôi ra thì cũng có sẵn vị quan toà xét xử không “còng đầu” người gây tội ác. Như vậy ý đồ thực sự của Tư Chớp nhiều lần sâu sắc hơn việc “cướp đêm, cướp ngày”.

Theo dòng kịch, mưu đồ của Tư Chớp, dù được dàn dựng khéo léo và thành công tới phút gần chót, vẫn vướng sự cố khiến mọi việc vỡ tan. Sự cố đó Tư Chớp không ngờ trước, không chỉ khiến Tư Chớp không đạt được mục tiêu mà còn gây oan nghiệt, tử vong và tan nát nhiều số phận! Cái điều Tư Chớp không lường được đó, nhiều người gọi là số mệnh, là hình phạt của ông Trời. Vâng, con người có lường trước hết các diễn biến sẽ xảy ra đâu, và điều gì ngoài năng lực dự đoán thì người ta đổ cho ông Trời! Chỉ có điều, sống lương thiện, hiền lành thì Bàn Tay Trời sẽ đem lại điều nhẹ nhàng, yên ổn, còn sống tàn ác, gian ngoa thì Bàn tay trời trả lại họa tai. Càng tàn ác, tai họa càng khủng khiếp, chính là “càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều” (Truyện Kiều).

Đừng xem thường Tư Chớp là người vô học. Vô học nhưng các kỹ năng tinh quái và độc ác của ông ta bao trùm cả tổng. Tôi thì rùng mình nghĩ tới nếu Tư Chớp thành công…

Đừng quên Tư Chớp cùng lúc nắm hai vai trò trong tổng. Ngoài ánh sáng ông ta nắm vai trò nhân sĩ dưới lớp vỏ ông bá hộ giàu có lương thiện, trong bóng tối nắm sức mạnh bạo lực nhờ đội ăn cướp. Với hai vai trò đó, ông có tiếng nói có ảnh hưởng mạnh trên việc điều hành tổng. Nếu ý đồ bất chính kia thành công, gia đình Tư Chớp sẽ nắm luôn vai trò xét xử.

Điều gì sẽ xảy ra nếu trong tổng có một gia đình nắm bạo lực, có tiếng nói điều hành và lại nắm luôn công đường phán xét?

Lúc đó, gia đình Tư Chớp sẽ cướp bóc mạnh tay hơn hay sẽ sống không vì mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu duy nhất là phục vụ người dân trong tổng?

bantaytroi1.jpg
NSƯT Thành Hội vai Tư Chớp, Ngọc Tưởng vai Phi Long con trai cả của Tư Chớp, đang bàn chuyện đi ăn cướp - Ảnh: H.K

Vở kịch để lại câu hỏi cho mỗi người xem kịch tự trả lời!

Ý đồ bất chánh của Tư Chớp đã bị trời phạt. Trời không chỉ phạt kẻ bất nhân mà tai nạn còn giáng xuống đầu người lương thiện. Không chỉ gia đình Tư Chớp tan nát, cả tổng cũng tang thương!

Người ta không thể sống hiền lành, lương thiện, chân thành với nhau để tránh đổ vỡ cho cộng đồng sao?

Đa số người dân trong tổng hiền lành, lương thiện. Tổng nên có cách tổ chức thế nào để đa số người lương thiện có thể kiểm soát ngăn chặn không cho những gia đình tham ác làm chuyện bất lương tai hại cả tổng? Để cho cuộc sống của người dân trong tổng được yên bình phát triển lâu dài thay vì thường xuyên đứt gãy bởi các gia đình “Tư Chớp” thay nhau khống chế?

Xin đừng hả hê nhìn gia đình Tư Chớp tan nát, cũng đừng vỡ oà hy vọng khi gia đình đó sụp đổ! Gia đình đó, suy cho cùng, cũng chỉ là nạn nhân của một cách tổ chức cộng đồng.

Chỉ bằng cách tổ chức, quản trị cộng đồng một cách văn minh, dân chủ, con người mới bảo vệ được cuộc sống an vui của cộng đồng và của chính gia đình mình, bản thân mình!

Ngày 28 tháng 5 năm 2022

Lê Học Lãnh Vân

Lê Học Lãnh Vân