Chơi chim chọi, thú chơi mới ở An Giang
Văn hóa - Ngày đăng : 14:52, 05/06/2022
Thú chơi chim chọi lắm công phu
Hơn 8 giờ sáng Chủ nhật (ngày 5.6). Khá nhiều nghệ nhân chơi chim từ các tỉnh, thành đổ về và tụ tập tại quán cà phê “N.H” (số 820 C/12 Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên, An Giang).
Ông Tuấn (nhà ở TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) đèo trên xe gắn máy hai chiếc lồng trùm vải kín mít, hào hứng đến TP.Long Xuyên tham gia Hội thi chim chọi.
“Trong tất cả thú vui tao nhã, có lẽ nghề chơi và huấn luyện chim chọi là công phu nhất. Thế nên, người chơi chim trước hết phải có tâm hồn lãng tử, nghệ sĩ để cảm nhận cái hay, cái đẹp và lặng lẽ hòa nhập với thiên nhiên qua từng điệu múa, tiếng hót của các loài chim. Ngoài ra, khi chơi chim chọi cũng có cái hay riêng của nó, chỉ có niềm đam mê thì mới chăm sóc, cảm nhận được những cái hay, miếng võ của loài chim”, ông Tuấn bộc bạch.
Cũng theo ông Tuấn, nghệ nhân chơi chim chọi, đẳng cấp vẫn là họa mi, chích chòe. Đó là những loài chim khỏe, thế đẹp, dáng thẳng, lông óng ả, tiếng véo von, chân móng mèo, bàn khóa dài rộng, cổ chân khỏe mạnh, mí mắt dày, trông uy dũng, hung dữ, lì lợm và nhanh nhẹn. Khi thi đấu thì họa mi hoặc chích chòe sải cổ hót lảnh lót nhằm át vía đối phương bằng tiếng hót có uy lực, từng con chim ganh nhau tiếng hót và sẵn sàng bay vào đánh nhau quyết tử với đối thủ.
“Hiện tôi sở hữu 2 con chích chòe than và chích chòe lửa đang sung sức nên đến tham gia để thi đấu, đồng thời giao lưu, thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các địa phương” – ông Tuấn nói.
Tương tự, ông Trần Kim Luận (người đam mê chim chọi, ngụ TP.Long Xuyên) cho biết, để tìm một con chim tốt, nuôi dưỡng và tập dượt để có thể đưa đi chọi là cả một quá trình đầu tư thời gian, công sức nên chủ nuôi chim chọi phải kiên nhẫn và có nhiều kinh nghiệm.
“Người chủ chim phải am hiểu tính tình của từng con chim để có cách chăm sóc thích hợp. Chim được lựa chọn đem đi chọi thường đã qua vài năm nuôi và phải chú trọng thức ăn bổ sung khoáng chất, vitamin... Bên cạnh đó có chế độ tập luyện kỹ lưỡng để chim thi đấu dai dẳng, lì đòn hơn và giành phần thắng. Chính vì nuôi chim chọi khá công phu nên nghệ nhân chơi chim khi thắng trận rất tự hào, sung sướng. Con chim vô địch sẽ có giá hơn 100 triệu đồng là chuyện bình thường”, ông Luận nhận định.
Hội thi chim chọi được người dân thích thú..
Theo quan sát của phóng viên Một Thế Giới, hội thi chim chọi lần này phần lớn nghệ nhân chơi chim đến từ TP.HCM, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang... với 48 con chích chòe than và 18 con chích chòe lửa tham gia thi thố. Khu dượt chim là một sân đất rộng (phía sau quán cà phê N.H) chừng 200 mét vuông. Phía trên là các khung sắt treo hơn 40 lồng chim chọi. Khoảng 50 người ngồi vây quanh 3 dãy bàn.
Tiếng tranh luận, bàn tán sôi nổi. Người đàn ông mặc áo thun xanh (trọng tài) cầm mi-crô đọc thể lệ thi đấu. Bên phía tay trái thì được 2 người khác (trọng tài) quay lồng xổ số để bắt cặp thi đấu.
Một chủ chim bên chẵn (số thứ tự khi chọi) nói: “Mở lồng đá đi, tính giờ rồi đó”, chủ chim bên lẻ mới chấp thuận và mở cửa lồng. Hai chim nhao nhao sấn tới, tả xung hữu đột và nhảy phắt lên cao khóa cánh, khóa mỏ và mổ vào nhau tới tấp. Hai chim mái bên cạnh líu ríu xì xì thúc cho hai đối thủ đá hăng thêm. Hai chủ chim liên tục đảo xuống đáy chiếc lồng để dưới bàn. Lúc này, hàng chục ánh mắt chăm chú, quan sát miếng võ của từng chú chim rồi reo hò, la hét...
Cuộc đọ sức gần ba phút. Chim bên lẻ thắng. Chủ chim lẻ sung sướng đem chim ra chăm sóc, nghỉ ngơi để chuẩn bị cuộc chiến vòng đấu tiếp theo.
Một người từng có kinh nghiệm làm trọng tài nhiều năm tại các cuộc thi đá chim - nhìn nhận hầu hết các cuộc thi chọi chim hiện nay không còn cảnh bịp bợm, gian lận như trọng tài kê lồng, xoay lồng (theo nết đá của chim thì thuận lợi cho bên chim chẵn hay chim lẻ thắng...). Ngoài ra, khi phát hiện chủ chim dùng "mánh lới" thoa thuốc lên móng chim để làm chim đối thủ tê liệt là cho thua cuộc ngay lập tức.
Anh Dương, một người dân ngụ phường Mỹ Quý, TP.Long Xuyên cho biết, sáng nay ra quán uống cà phê nhưng thấy có đám đông reo hò nên anh tò mò đến xem và có ý định nuôi chim thử.
“Tôi thấy họ tổ chức thi chim chuyên nghiệp và vui quá. Chắc qua hội thi này ngoài kiếm tiền mưu sinh, tôi phải kiếm mua một con về chơi thử”, anh Dương bày tỏ.
Theo rất nhiều người dân đến xem tại hội thi chim chọi nghệ thuật, tất cả đều thích thú và họ mong mỏi tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh như ở An Giang.