Indonesia giải quyết tình trạng giá bán dầu ăn tăng cao

Quốc tế - Ngày đăng : 12:39, 06/06/2022

Indonesia đã cấp phép xuất khẩu khoảng 302.000 tấn dầu ăn chế biến từ dầu cọ kể từ khi nước này tái khởi động xuất khẩu, đồng thời trấn an nông dân trồng cọ và các nhà xuất khẩu rằng chính phủ sẽ tăng tốc thủ tục cấp phép xuất khẩu mặt hàng chiến lược này.

Indonesia là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, vào ngày 28.4 đã ngưng xuất khẩu sản phẩm này trong nỗ lực kiềm chế giá bán tăng vọt trong nước, vào lúc toàn thế giới thiếu nguồn cung lương thực do các quốc gia bị ảnh hưởng từ chuyện Nga đánh chiếm Ukraine, thời tiết cực đoan, sự gián đoạn nguồn cung do dịch bệnh nên phải lo cung ứng cho người dân trong nước cũng như để tránh lạm phát giá lương thực... Chiến tranh ở Ukraine đã đặt ra thách thức về an ninh lương thực cho nhiều quốc gia, ví dụ dầu ăn cũng là mặt hàng thiết yếu bị ảnh hưởng nghiêm trọng về nguồn cung.

Chính phủ Indonesia cho phép nối lại xuất khẩu từ ngày 23.5, nhưng đồng thời lập các chính sách bảo vệ nguồn cung dầu ăn trong nước, gồm cả chính sách Nghĩa vụ thị trường nội địa (DMO), theo đó các nhà sản xuất dầu ăn trước tiên phải bán 20% sản phẩm trong nước.

DMO nhằm đảm bảo 10 triệu tấn dầu ăn phục vụ nhu cầu trong nước và kiểm soát việc giá tăng cao ở mức khoảng 40% so với năm trước, theo xu hướng thị trường quốc tế. Chính sách giá trần nội địa đối với dầu cọ cũng trở nên cần thiết, do giá cả toàn cầu tăng cao, kéo theo việc các nhà sản xuất trong nước tăng giá bán.

Trước đó, chính phủ Indonesia áp yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với các lô hàng vận chuyển dầu cọ quốc tế. Giấy phép này chỉ được cấp một khi các công ty khai báo kế hoạch phân phối nội địa trong 6 tháng.

Theo các chuyên gia trong ngành và các nhà buôn, sự thay đổi chính sách nêu trên dẫn đến tình trạng quan liêu giấy tờ và làm chậm thủ tục cấp phép xuất khẩu, điều khiến giá bán dầu cọ tăng trên toàn cầu vào lúc Malaysia - đối thủ cạnh tranh dầu cọ với Indonesia, lâm tình trạng đạt sản lượng kém.

Hiệp hội Dầu cọ Indonesia hôm 3.6 cho biết nhiều nhà máy dầu cọ đã ngưng mua trái cọ từ nhà nông do không thể xuất khẩu, trong khi nhà nông phàn nàn giá trái cọ chưa phục hồi đến mức giá từng có trước khi có lệnh cấm xuất khẩu, sau khi bị tụt giá khoảng 75%.

Theo Reuters, một quan chức cấp cao Indonesia là ông Luhut Pandjaitan vào ngày 5.6 cho biết: “Các giải pháp tăng tốc sẽ được thực hiện, nếu như chúng tôi biết giá trái cọ do nhà nông bán vẫn còn quá thấp”, đồng thời nhắc lại việc chính phủ Indonesia đang lập quota xuất khẩu 1 triệu tấn dầu cọ.

Indonesia mỗi tháng thường xuất khẩu khoảng 2,5 triệu tấn sản phẩm từ dầu cọ. Ông Luhut nói chính phủ yêu cầu các công ty dầu cọ bán 300.000 tấn dầu ăn/tháng theo chính sách DMO trong thời điểm quá độ tiếp sau việc nối lại xuất khẩu.

Ông Musdhalifah Machmud, một quan chức Bộ Kinh tế Indonesia cũng cho biết chính phủ đã có một sự sửa đổi liên quanh thuế, cũng như sẽ sớm ban hành một nghị định nhằm giải thích rõ ràng về những thay đổi trong chính sách.

Indonesia hiện áp mức thuế tối đa 375 USD/tấn dầu cọ thô xuất khẩu, cùng mức thuế nhập khẩu tối đa 200 USD/tấn. Mức thuế này được nâng lên từ tháng 3, trong nỗ lực khuyến khích tăng doanh số bán trong nước.

Cùng lúc, ông Luhut nói chính phủ Indonesia sẽ tiến hành thanh tra ngành cọ, để bảo đảm những vấn đề như vừa qua không tái diễn trong tương lai.

Từ tháng 11.2021, chính phủ Indonesia đã ban hành nhiều biện pháp, gồm cả trợ giá, yêu cầu giấy phép xuất khẩu cũng như một mức thuế đánh lên dầu cọ, đồng thời cấm xuất khẩu nhằm kiềm chế giá dầu ăn nhưng không đạt nhiều thành công.

Bảo Vĩnh