Đeo khẩu trang giúp ngăn chặn sự lây lan của một số bệnh hô hấp và giảm thiểu dùng thuốc kháng sinh
Thông tin Y học - Ngày đăng : 12:40, 06/06/2022
Một nghiên cứu mới đây cho thấy các biện pháp phòng dịch COVID-19, trong đó có việc đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay, đã khiến người dân tại Hồng Kông (Trung Quốc) ít bị nhiễm các bệnh đường hô hấp, như bệnh lao. Điều này cũng có thể làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh và giảm tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn.
Nghiên cứu do Đại học Hồng Kông (HKU) thực hiện và được công bố trên tạp chí y khoa Antibiotics ngày 31.5, đã khiến cố vấn về đại dịch COVID-19 của chính phủ Trung Quốc khuyến nghị người dân nên tiếp tục đeo khẩu trang trong suốt thời gian cúm diễn ra vào mùa đông ngay cả khi dịch COVID-19 đã kết thúc.
Giáo sư Yuen Kwok cho biết: "Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng các biện pháp không dùng thuốc trong việc giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp có thể là một trong những chiến lược giúp kiểm soát lượng thuốc kháng sinh tiêu thụ ở người và cũng làm giảm tình trạng kháng thuốc về lâu dài. Tuy nhiên các biện pháp này nếu như được nới lỏng sẽ làm gia tăng lớn tỷ lệ mắc các bệnh đường hô hấp và dùng thuốc kháng sinh".
Nghiên cứu nói trên đã xem xét dữ liệu về nguồn cung cấp thuốc kháng sinh bán buôn, các thông báo về bệnh ban đỏ, thủy đậu và bệnh lao do Trung tâm Bảo vệ sức khỏe thu thập và dữ liệu những bệnh nhân nhập viện công từ năm 2012 -2019 và 2020-2021.
Các nhà khoa học đã quan sát thấy sự "giảm đáng kể" các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có khả năng lây truyền qua đường hô hấp như Streptococcus pyogenes, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae và Neisseria meningitidis .
Số ca phát hiện tại cộng đồng trung bình mỗi năm giảm từ 257 ca trong khoảng năm 2012- 2019 xuống còn 58 ca trong năm 2020-2021, trong khi tỷ lệ mắc bệnh trên mỗi 100.000 trường hợp nhập viện giảm từ 15,1 xuống 3,4 trong cùng thời kỳ.
Các bệnh nhiễm trùng như ban đỏ giảm từ 12.567 ca xuống còn 351 ca, bệnh lao từ 35.512 ca xuống 7.397 ca và bệnh thủy đậu từ 68.776 ca xuống 3.577 ca.
Điều này giúp giảm nguồn cung cấp thuốc kháng sinh, với số lượng ở bác sĩ tư nhân giảm 39%, nhà thuốc cộng đồng giảm 47,9%, bệnh viện tư nhân giảm 35,1% và cơ quan quản lý bệnh viện giảm 12,5%.
Nhưng nhóm nghiên cứu lưu ý rằng không có sự giảm tỷ lệ nhập viện do siêu vi khuẩn Staphylococcus aureus hoặc E.coli không lây truyền chủ yếu qua đường không khí hoặc đường giọt bắn.
Các nhà nghiên cứu viết: "Tóm lại, việc thực hiện các biện pháp can thiệp không dùng thuốc trong 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19 ở Hồng Kông đã làm giảm rõ rệt tỷ lệ nhiễm các bệnh về đường hô hấp cấp tính và nhiễm trùng do vi khuẩn lây truyền qua giọt bắn và không khí".
Yuen cho biết những phát hiện này khẳng định sự cần thiết của việc duy trì thói quen đeo khẩu trang cả khi đại dịch COVID-19 đã kết thúc.
"Các biện pháp can thiệp phi dược phẩm đặc biệt là đeo khẩu trang nên được thực hiện trong đợt bùng phát vào mùa đông nghiêm trọng do COVID-19 hoặc cúm theo mùa", Yuen nói thêm.