Chàng trai có thu nhập khá nhờ khởi nghiệp từ giống lựu đỏ Peru

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 22:50, 06/06/2022

Lựu đỏ Peru có thể đã quen thuộc ở nhiều nơi nhưng ở An Giang thì chưa nhiều người trồng. Tuy nhiên, một chàng trai nông thôn ở xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn vẫn muốn khởi nghiệp với loại trái cây này.

Học kinh tế nhưng khởi nghiệp làm nông

Tốt nghiệp Trường đại học An Giang với chuyên ngành kinh tế nhưng anh Dương Hữu Nghị (33 tuổi, ngụ ấp Tây Bình C, xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn) lại rẽ hướng, khởi nghiệp bằng nghề nông.

Từ khi còn là sinh viên, Nghị đã có niềm đam mê với cây cối và hay tìm hiểu cách trồng các loại cây mà quê mình chưa có. Chính vì thế, Nghị quyết tâm mang giống lựu đỏ Peru về trồng trên vùng đất lúa quê mình. Ban đầu, anh bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về giống cây này.

1-nghi-luu.jpg
Anh Dương Hữu Nghị bên vườn lựu đỏ Peru - Ảnh: Tô văn

Theo anh Nghị, đây là loại cây trồng mới ở An Giang, hầu như chưa có mô hình chuyên canh phát triển trên diện tích lớn mà phần nhiều chỉ trồng để làm cây kiểng, phong thủy. Điều này là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để anh Nghị bắt tay vào phát triển cây lựu đỏ Peru.

“Từ năm 2014, tôi bắt đầu mua cây giống và triển khai trồng trên diện tích 1 ha. Do đất của gia đình trước đây trồng lúa nên khi chuyển qua trồng lựu phải lên liếp, đắp mô cao, thoát nước tốt vì đặc tính của cây lựu dù ưa nước nhưng không chịu ngập. Khi lên liếp trồng lựu đỏ Peru, tôi phải đảm bảo gốc cây cách mặt nước trong mương khoảng 1 mét, có thế cây mới phát triển tốt.

Bên cạnh đó, tôi còn thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để tiết kiệm chi phí sản xuất. Dù quê tôi có khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng với các tỉnh, thành khác nhưng chưa một ai trồng thành công lựu đỏ Peru. Đó là lý do để tôi quyết tâm trồng bằng được”, anh Nghị chia sẻ.

4-nghi-luu.jpg
Khi lên liếp trồng lựu đỏ Peru, phải đảm bảo gốc cây cách mặt nước trong mương khoảng 1 mét, có thế cây mới phát triển tốt - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo anh Nghị, cây lựu sau khi trồng bám đất rất nhanh, phát triển tốt và ra hoa, đậu trái sau khoảng 6 tháng.

“Trước kia cứ nghĩ cây lựu đỏ Peru sẽ khó trồng. Tuy nhiên, khi bắt tay vào canh tác tôi mới phát hiện ra nó cực kỳ thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Quá trình canh tác cũng giống như trồng bưởi, cam, quýt theo quy trình của nông dân”, anh Nghị bày tỏ.

Khát vọng về thương hiệu lựu đỏ Peru

Ngay trong lần đầu trồng thí điểm, anh Nghị đã nhập về vườn của mình vài ngàn cây lựu đỏ Peru. Riêng tổng số vốn nhập gần 200 triệu đồng. Thử thách đến ngay với anh Nghị khi cây lựu chuẩn bị ra hoa thì gặp ngay bọ chỉ (sâu bệnh). Nếu xử lý không kịp thì cây cho trái ít, vỏ xấu và đạt năng suất thấp.

“Chính vì vậy tôi phải vắt óc nghiên cứu cách điều trị, đồng thời chuyển sang chăm sóc theo hướng hữu cơ. Trong suốt quá trình chăm sóc, hầu như tôi chỉ sử dụng những loại phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học để cải tạo đất, tăng chất dinh dưỡng để cây lựu phát triển tốt nhất”, anh Nghị nói.

2-nghi-luu.jpg
Những cây lựu trong vườn của anh Nghị có chiều cao rất tốt, khoảng 1,6 mét và cho nhiều trái - Ảnh: Tô Văn
3-nghi-luu.jpg
Giống lựu đỏ Peru của anh Nghị đang cho trái với năng suất cao - Ảnh: Tô Văn

Hiện tại, những cây lựu trong vườn của anh Nghị có chiều cao khoảng 1,6 mét và cho ra nhiều trái. Ngoài những cây ra trái, số lượng cây còn lại anh Nghị dành để nhân thêm giống bằng hình thức chiết cành. Số lượng lựu chiết ra được bán cho những nông dân có nhu cầu chuyển đổi, đầu tư phát triển cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao.

Với giá bán 300.000 đồng/kg và bán cây giống, trong mùa vụ đầu tiên Nghị ước tính thu về gần 150 triệu đồng. Hiện khu vườn của anh đang xuất bán vụ thứ 2.

6-nghi-luu.jpg
7-nghi-luu.jpg
Với giá bán 300.000 đồng/kg và bán cây giống, trong mùa vụ đầu tiên anh Nghị thu về gần 150 triệu đồng - Ảnh: Tô Văn

Theo anh Nghị, khi cây đã cho ra trái và phát triển tốt thì chắc chắn doanh thu các vụ sau sẽ còn tăng lên. Để phát triển hướng canh tác có hiệu quả theo cách tốt nhất, anh Nghị còn kinh doanh online, mở các trang Facebook, YouTube để cung cấp những cây lựu phong thủy cho những người đam mê chơi cây kiểng.

“Với hình thức thời 4.0, tôi mong muốn có thể cùng bà con nông dân trong và ngoài tỉnh hợp tác để phát triển, mục tiêu là mở rộng diện tích và bao tiêu trái lựu đỏ Peru đến khoảng 15 ha. Ngoài ra, tôi sẽ mua thêm đất để mở khu du lịch sinh thái tạo ấn tượng mạnh cho du khách khi đến tham quan, thưởng thức thương hiệu lựu đỏ Peru của chính tôi”, anh Nghị nói.

Ông Phạm Trường Giang - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn cho biết, khi nhận thấy anh Nghị có niềm đam mê với nông nghiệp, nhất là cây lựu Peru... địa phương đã dốc sức hỗ trợ.

“Địa phương đã tạo nguồn vốn, lập hồ sơ gửi về các ban ngành có liên quan để cấp giấy chứng nhận sản phẩm Ocop cho giống lựu đỏ Peru của anh Nghị. Đồng thời, nhân rộng mô hình này theo hướng phát triển tốt nhất trên địa bàn xã”, ông Giang nói.

Được biết, giống lựu đỏ Peru là một loại trái cây trồng tại nước Cộng hòa Peru và đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường trên trên thế giới.

Lựu nhập khẩu Peru có đặc điểm là vỏ màu đỏ hồng, kích thước trái lớn (khoảng 700g/trái), hạt đỏ thẫm, nhiều nước, ăn rất ngọt.

Nước quả lựu có chứa nhiều chất chống oxy hóa polyphenol, có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây lão hóa, giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch, bệnh Alzheimer và cả ung thư.

Trong thành phần của nước quả lựu có chứa nhiều vitamin và khoáng chất như natri, vitamin B2, sinh tố B, niaxin, vitamin C, canxi và photpho… có tác dụng làm giảm quá trình hình thành các mảng bám trong các động mạch.

Dầu hạt quả lựu có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành ung thư da nhờ khả năng làm lành các tổn thương trên da nhanh chóng. Bên cạnh đó, nước quả lựu còn có tác dụng giúp các khắc phục các triệu chứng thời kỳ mãn kinh.

Tô Văn