Phát hiện loài động vật giống cua dưới thềm băng lớn nhất Nam Cực

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:10, 08/06/2022

Một loài động vật chân đốt giống cua đã được tìm thấy trong một con sông sâu 487 mét dưới thềm băng lớn nhất Nam Cực.
he-sinh-thai.jpg
Những sinh vật có hình dáng giống cua và tôm hùm được phát hiện ở dòng sông nằm bên dưới thềm băng Ross

Phát hiện này gây bất ngờ cho nhóm các nhà nghiên cứu New Zealand, những người đang ở Nam Cực để nghiên cứu một cửa sông cách rìa thềm băng Ross hàng trăm km. Nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu vai trò của cửa sông với quá trình thềm băng tan chảy do biến đổi khí hậu.

Theo thông cáo báo chí, khi các nhà khoa học khoan sâu xuống lớp băng và dưới con sông, máy ảnh bị che phủ bởi những đàn động vật chân đốt - những sinh vật nhỏ cùng họ với cua và tôm hùm. Giáo sư Craig Stevens, thành viên thuộc Viện Nước và Khí quyển Quốc gia New Zealand, nói rằng đây là một “bất ngờ lớn”.

“Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng có gì đó không ổn với máy ảnh nhưng khi thay đổi tiêu cự, chúng tôi nhận thấy một bầy động vật chân đốt có kích thước khoảng 5 mm. Chúng tôi rất vui mừng vì phát hiện những động vật đó bơi xung quanh thiết bị, điều này có nghĩa là có một hệ sinh thái quan trọng ở đó”, ông Craig Stevens nói.

may-anh.jpg
Khi đưa một chiếc máy ảnh xuống hố, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hệ sinh thái đang phát triển mạnh mẽ

Nhóm nghiên cứu đã lấy một số mẫu nước trở lại phòng thí nghiệm để xem xét DNA và các đặc tính khác của nước để xem điều gì làm cho nó trở nên độc đáo vì những quan sát này chưa từng xuất hiện trong các hệ thống khác gần đó.

Từ lâu, các nhà khoa học đã biết về một mạng lưới sông và hồ nước ngọt ẩn bên dưới các tảng băng ở Nam Cực. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một trong những con sông và động vật sống trong đó được quan sát trực tiếp.

Trưởng dự án Huw Horgan, Phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Nam Cực thuộc Đại học Victoria Wellington, là người đầu tiên phát hiện ra hệ sinh thái trong chuyến đi. Trong khi nghiên cứu hình ảnh vệ tinh về thềm băng, ông nhận thấy một rãnh băng - dấu hiệu cho thấy một cửa sông nằm dưới lớp băng.

Horgan cho biết những gì họ tìm thấy là một “hang động đầy ắp sự sống”. Ông cho biết việc trở thành người đầu tiên quan sát thấy hệ sinh thái này “giống như là người đầu tiên bước vào một thế giới ẩn”.

“Đó là một cuộc thám hiểm cực kỳ thú vị vì là cơ hội hiếm có để nghiên cứu loại môi trường này. Chúng tôi đã để lại các thiết bị có thể quan sát trong nhiều năm tới. Chúng sẽ cho biết về dòng nước, nhiệt độ và áp suất trong khoảng thời gian hai phút để chúng ta có thể có được bức tranh tổng thể về cách con sông hoạt động và tương tác với đại dương hay tảng băng”.

Tiến sĩ Richard Levy từ Đại học Victoria Wellington nói rằng “những khám phá như thế này” cho thấy còn nhiều điều để tìm hiểu về Nam Cực. Ông cho biết các nhà nghiên cứu sẽ làm việc để nghiên cứu xem chúng sẽ có những tác động gì trong tương lai.

Long Hải