Toan tính sâu xa của Nga trong vụ tòa tuyên tử hình 2 tù binh Anh và 1 tù binh Ma rốc

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:55, 10/06/2022

Nếu hai tù binh người Anh lộ rõ vẻ hoang mang trên nét mặt thì tù binh Ma Rốc khá điềm nhiên.

Như tin đã đưa, một tòa án ở Donetsk, miền đông Ukraine do Nga kiểm soát đã kết án tử hình với 2 công dân Anh là Aiden Aslin và Shaun Pinner.

Thực ra trong phiên xử này có tới 3 bị cáo cùng một tội danh chứ không chỉ có 2 công dân Anh. Hai người Anh phải hầu tòa cùng với Ibrahim Sadun, một sinh viên người Ma Rốc (Morocco) chung đơn vị Ukraine ở Mariupol, đã đầu hàng. Họ đã chiến đấu với quân đội Nga trong 48 ngày mà thành phố này chịu không kích nặng nề.

Tuy nhiên, truyền thông Anh và hầu như cả thế giới đều chỉ chú ý đến 2 công dân Anh. Chuyện này cũng dễ hiểu vì Anh và Nga đang quan hệ rất căng thẳng khi Anh là nước sốt sắng viện trợ vũ khí Ukraine và kêu gọi đánh cho Nga bại trận hoàn toàn để Ukraine trở lại nguyên trạng trước 2014 mới thôi.

Trong việc tường thuật phiên tòa cũng vậy. Báo Anh kể rõ đoạn video do phe ly khai công bố hôm 7.6 cho thấy Aslin có vẻ đã giảm cân rất nhiều. Khi một thẩm phán hỏi Aslin liệu bị cáo có hiểu bản cáo trạng chống lại mình hay không, người đàn ông này trả lời bằng tiếng Nga: "Vâng, tôi có". Bị cáo Pinner trông hốc hác, gầy gò và cũng trả lời "có" cho câu hỏi tương tự. Còn bị cáo người Ma Rốc thì không được mô tả.

tu-binh.jpg
Tù binh Ma Rốc (giữa ) có vẻ rất điêm nhiên trong khi 2 tù binh Anh đầy căng thẳng lo lắng

Tuy nhiên, qua những tấm ảnh và video thì thấy có thái độ khác giữa 2 tù binh người Anh và tù binh Ma Rốc. Nếu hai tù binh người Anh lộ rõ vẻ hoang mang trên nét mặt thì tù binh Ma Rốc khá điềm nhiên.

Câu hỏi đặt ra là tại sao tòa án không xét xử riêng 2 tù binh người Anh mà còn có thêm sự xuất hiện của một anh chàng Ma Rốc.

Việc tòa án tại khu vực Donestk đem 3 người và hai quốc tịch ra xử sẽ giúp phe ly khai được Nga hậu thuẫn cho thế giới cảm giác rằng họ chỉ xét xử những người nước ngoài đến chiến đấu theo tội danh lính đánh thuê chứ không phân biệt người đó quốc tịch nào.

Tuy nhiên, thái độ của anh chàng Ma Rốc lại điềm nhiên cho thấy anh ta tự tin vào việc chính quyền quê hương sẽ can thiệp để được giải cứu. Về cơ bản, quan hệ giữa Nga – Ma Rốc không có vướng mắc gì.

Trong 3 cuộc bỏ phiếu tại đại hội đồng LHQ vừa qua (hai liên quan tình hình Ukraine hồi tháng 3 và một về loại Nga khỏi Hội đồng nhân quyền thế giới hồi tháng 4), Ma Rốc đều không tham gia bỏ phiếu.

Trong khi đó, quan hệ của Nga với các nước châu Phi, đặc biệt là Bắc Phi lại rất tốt khi ủng hộ phong trào giành độc lập của họ trước đây. Chúng ta có thể thấy điều này qua thái độ của Algeria (nước chưa bị ảnh hưởng cách mạng màu như Lybia, Tunisia và Ai Cập) khi họ bỏ phiếu trắng trong 2 nghị quyết vào tháng 3 và dám bỏ phiếu chống lại việc loại Nga tại Hội đồng nhân quyền.

Do vậy, khi chính quyền Ma Rốc can thiệp thì nhiều khả năng Nga sẽ có lý do để tác động đến Donetsk trong việc phóng thích tù binh. Điều này xảy ra sẽ giúp Nga có hai cái lợi. Thứ nhất là họ nhận được thêm thiện cảm từ Bắc Phi, và cả châu Phi vì biết lắng nghe, biết tôn trọng tiếng nói từ Lục địa đen.

Thứ hai, Nga sẽ đẩy nước Anh và có lẽ cả Phương Tây đến thế bị chiếu tướng với áp lực từ trong nước. Hãy thử tưởng tượng, khi chính quyền Ma Rốc giải cứu xong tù binh của họ thì người Anh sẽ nghĩ gì? Không ngạc nhiên nếu nhiều người so sánh tại sao công dân hai nước trong cùng phiên tòa, bị kết án chung nhưng người Ma Rốc thì được thả còn người Anh thì chưa.

Nếu hàng tuần, chứ không muốn nòi là hàng ngày, Aiden Aslin và Shaun Pinner liên tục lên sóng cầu xin chính phủ Anh ra tay can thiệp thì áp lực từ dư luận trong nước dành cho London sẽ không hề nhẹ.

Chính quyền đương nhiệm ở London sẽ mất điểm trong các cuộc bầu cử tới nếu mang tiếng không giải cứu được công dân trong khi một nước Bắc Phi như Ma Rốc lại làm được chuyện này. Điều đó có thể khiến London sẽ phải giảm bớt thái độ cứng rắn như hiện giờ để tìm cách vuốt ve Nga thay vì làm Nga bị kích động.

Đây là điều mà ai cũng nhìn ra và có lẽ là Điện Kremlin hay số 10 đường Downing cũng nghĩ ra từ lâu. Cuộc chiến tại Ukraine không chỉ là trên thực địa mà còn là toan tính, đấu trí toàn diện của các bên.

Trong Chiến tranh Lạnh, Ma Rốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Liên Xô ở châu Phi. Năm 1978, Liên Xô đầu tư mạnh vào ngành khai khoáng của Ma Rốc.

Trong bối cảnh Chiến tranh Tây Sahara, năm 1980, Mặt trận POLISARIO đe dọa chính quyền của Quốc vương Hassan II. Không giống như các phong trào giải phóng vũ trang khác ở châu Phi, Liên Xô không cam kết hỗ trợ Mặt trận POLISARIO. Bất chấp sự mong đợi lớn lao của Mặt trận POLISARIO về sự ủng hộ của Moscow, Liên Xô từ chối có bất kỳ lập trường nào chống lại Ma Rốc khi đây là đối tác thương mại lớn nhất của Liên Xô ở châu Phi vào năm 1978. 

Trong những năm 2000, quan hệ thương mại song phương giữa Ma Rốc và lúc này là Nga đã mở rộng đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực khai khoáng và nông nghiệp.

Tổng thống Vladimir Putin đã có chuyến thăm tới Ma Rốc vào tháng 9.2006 nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế và quân sự giữa Nga và Ma Rốc. Mối quan hệ Ma Rốc-Nga không ngừng phát triển sau đó. Vào tháng 3. 2016, Quốc vương Mohammed VI của Ma Rốc đã đến thăm Nga và hội kiến ​​với Tổng thống Putin. Cả hai bên đã ký một thỏa thuận về việc bảo mật thông tin của nhau.

Vào năm 2019, chính phủ Ma Rốc và Nga đã đồng ý đầu tư vào một nhà máy lọc dầu ở Mohammedia giúp thúc đẩy tạo việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các vùng phía bắc của Ma Rốc.

Trong đại dịch coronavirus, sự hợp tác giữa Ma-rốc và Liên bang Nga đã được thắt chặt sau khi chính quyền Rabat phê duyệt vắc-xin Sputnik V vào tháng 1.2021

Anh Tú