Đã phát triển được công nghệ dây thần kinh nhân tạo
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 11:14, 05/11/2016
Theo tạp chí khoa học Science Advances, một nhóm nhà khoa học dưới sự dẫn dắt của Amanda Johnsson từ Đại học Linkoping, Thụy Điển, đã phát triển được công nghệ dây thần kinh nhân tạo có thể truyền các ion và các phân tử qua cơ thể với tốc như tốc độ của hệ thần kinh. Ngoài các mục đích khác có thể có, dây thần kinh nhân tạo nhằm điều trị những cơn đau mạn tính.
Các chuyên gia khẳng định rằng công trình của họ sẽ mở đường cho việc tạo ra các cơ chế có thể “nói chuyện được với cơ thể trên cùng một ngôn ngữ”. Các nhà khoa học gọi dây thần kinh nhân tạo là “máy bơm ion” - có thể truyền acid gamma-aminobutyric - chất tham gia vào việc kiểm soát cảm giác đau và có thể phong tỏa những tín hiệu thần kinh. Các chuyên gia ghi nhận rằng đó chỉ là một trong những phân tử mà công nghệ của các nhà khoa học có thể giúp truyền đi quanh cơ thể.
Để có được thành công này, các nhà khoa học đã phải tìm tòi ròng rã 10 năm trời. 1 năm rưỡi trước, họ đã giới thiệu phiên bản đầu tiên của chiếc “bơm ion” khi dùng nó để truyền acid gamma-aminobutyric trực tiếp vào tủy sống của những con chuột thí nghiệm. Phiên bản mới hoàn thiện hơn, hoạt động nhanh hơn, ngang với tốc độ hoạt động của hệ thần kinh khi truyền tín hiệu qua cơ thể tức là các tín hiệu đi qua con đường giữa các khớp nối thần kinh chỉ trong vòng 1-10 mili giây.
Ngoài việc điều trị các cơn đau mạn tính, các nhà khoa học tin chắc rằng về mặt lý thuyết, công nghệ của họ có thể chống lại có hiệu quả các cơn động kinh cũng như các triệu chứng bệnh Parkinson. Các nhà khoa học có kế hoạch tiến hành nhiều thử nghiệm nữa trên các tế bào sống để cải thiện công nghệ đầy hứa hẹn của mình.
Vũ Trung Hương