Điện gió - bài toán phức tạp cần nhiều lời giải
Góc bình luận - Ngày đăng : 17:00, 12/06/2022
Nhiều tỉnh rục rịch điện gió
Những ngày qua, các dự án điện gió tại Bắc Bộ đang rậm rịch chờ triển khai. Tại Hải Phòng, Công ty cổ phần Năng lượng Bitexco vừa xin chủ trương khảo sát, quan trắc đánh giá tài nguyên biển, để lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện gió ngoài khơi đảo Bạch Long Vĩ công suất 3.300MW. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 256.000 tỉ đồng (khoảng 11 tỉ USD). Nguồn vốn do doanh nghiệp thu xếp và vay các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
Tại Lạng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu hôm 8.6 chủ trì buổi làm việc với Công ty TNHH BayWar.e. Wind Projecs tại Việt Nam để bàn về công tác chuẩn bị đầu tư các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.
Ông Daniel Gaefke, Tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn BayWar.e. Wind Projecs khẳng định, sau gần 2 năm thực hiện khảo sát thực tế, Công ty TNHH Baywa r.e. Projects Việt Nam mong muốn đầu tư 3 nhà máy điện gió tại Văn Quan, Cao Lộc và Lộc Bình. Tổng công suất 3 dự án là 240MW, dự kiến gồm 48 trụ tua bin gió với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỉ đồng. Tổng sản lượng điện sản xuất hằng năm đủ cung cấp cho khoảng 230.000 hộ dân; trong đó, mỗi tua bin gió có thể cấp điện cho 4.788 hộ gia đình, dự kiến đưa vào vận hành năm 2025.
Không chỉ các tỉnh vùng Đông Bắc gần biển muốn làm điện gió mà các tỉnh ở Tây Bắc núi cao cũng vậy. UBND tỉnh Điện Biên đã cho phép 4 nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh với tổng công suất dự kiến khoảng 1.480MW.
Ngoài 2 danh mục đã có trong dự thảo Quy hoạch điện 8 có công suất dự kiến 200MW, tỉnh Điện Biên đã đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương xem xét bổ sung 6 danh mục các dự án điện gió trên địa bàn vào trong Quy hoạch điện 8 với tổng công suất dự kiến 1.280 MW.
Đề cập đến việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực các tỉnh Tây Bắc, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: "Những nguồn điện gió này thực sự sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương và đóng góp vào phát triển kinh tế của các tỉnh Tây Bắc. Chúng tôi thống nhất sẽ phát huy tối đa tiềm năng của khu vực này".
Nghịch lý điện gió thiếu gió
Việc triển khai điện gió để giúp làm giảm gánh nặng cho nhiệt điện, giảm khí phát thải và đánh thức tiềm năng kinh tế địa phương là điều rất đáng hoan nghênh. Nhưng làm như thế nào cho hợp lý và hiệu quả là một bài toán cần tính thật chi tiết và kỹ càng.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia hôm 5.6 cho hay đến giờ điện gió vẫn đang chỉ phát được dưới 50% tổng công suất điện gió đã được công nhận vận hành thương mại COD. Lý do là... thiếu gió.
Cụ thể, với tổng công suất lắp đặt nguồn điện gió của toàn quốc đã được công nhận vận hành thương mại (COD) và đưa vào vận hành đến nay là 3.980MW, số liệu thống kê cho thấy vẫn duy trì tình trạng không nhiều thời điểm điện gió phát cao hơn mức 2.000MW (tức là 50% so với tổng công suất điện gió đã được công nhận vận hành thương mại COD) trong tháng 4 và 5 vừa qua.
Chỉ có tổng cộng khoảng 7 ngày trong tháng 4 và có duy nhất 1 ngày trong tháng 5, tổng công suất điện gió toàn quốc phát được cao hơn mức 2.000MW.
Trung tâm đã cảnh báo tình trạng tổng công suất phát của điện gió toàn quốc xuống thấp còn dưới 1.000MW vẫn diễn ra phổ biến trong tháng 4 và 5.2022, có thời điểm khả năng phát điện từ gió rất thấp, gần như không đáng kể, tương tự tháng 3.
Theo dõi vận hành thực tế trong vài tháng qua cho thấy công suất phát điện gió thường xuyên biến động lớn hằng ngày, thậm chí biến động mạnh giữa các thời điểm khác nhau trong ngày. Việc theo dõi khả năng phát điện gió vẫn sẽ tiếp tục được duy trì để theo dõi biến động theo mùa gió trong năm.
Như vậy, việc thiếu ổn định về công suất phát điện từ các nguồn điện gió hiện tại cũng dẫn tới khả năng hỗ trợ tăng cường phát điện cho hệ thống điện quốc gia hiện nay vẫn chỉ ở mức thấp.
Cần tạo điều kiện điện gió ngoài khơi
So với điện gió trong đất liền thì điện gió ngoài khơi có tính ổn định và liên tục cao hơn. Hiện nay, dự thảo Quy hoạch điện 8 đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, phê duyệt; dự kiến đến năm 2030 Việt Nam đặt mục tiêu 7.000MW điện gió ngoài khơi.
Theo tờ trình Quy hoạch điện 8 đặt ra mục tiêu 7.000MW đến năm 2030 (phía bắc 4.000MW, khu vực Nam Trung bộ, Nam Bộ 3.000MW, do giới hạn truyền tải điện từ khu vực miền Trung, Nam ra Bắc hạn chế). Hiện ở phía bắc, các tỉnh có biển đăng ký khoảng 51.000MW điện gió ngoài khơi, nhưng theo tờ trình chỉ có 4.000MW nên sẽ phải lựa chọn dự án khả thi, đấu nối điện.
Chia sẻ tại hội thảo "Ảnh hưởng của xu hướng giá thành điện gió ngoài khơi thế giới đến Việt Nam" do Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 2.6, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn với điện gió ngoài khơi, có thể lên tới 160GW và hiện trong dự thảo Quy hoạch điện 8 cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển 7GW điện gió ngoài khơi.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư điện gió ngoài khơi lo lắng vì cơ chế chưa rõ ràng. Tại hội thảo “Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Hướng đến mục tiêu Quy hoạch điện 8 và cam kết Net Zero”, do Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) phối hợp với Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức tại Hà Nội hôm 9.6, nhiều khó khăn đã được các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi trình bày. Nổi bật trong số đó là vấn đề quy trình đầu tư và đấu thầu.
Ông Mark Hutchinson đại diện Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) cho rằng doanh nghiệp phải đầu tư hàng tỉ USD cho một dự án điện gió ngoài khơi, dù là dự án nhỏ nên cần sự rõ ràng về chính sách. Thời gian để hoàn thành một dự án điện gió ngoài khơi từ khâu chuẩn bị đến khi vận hành thương mại mất 8 năm và rất nhiều việc cấp bách cần thực hiện.
Ông Mark Hutchinson cũng cho biết các ngân hàng trong nước giới hạn khoản vay nên cần những đơn vị nước ngoài đầu tư. Qua tham vấn, ngân hàng nước ngoài sẽ phải tính toán được rủi ro và dự toán tài chính thông qua cơ chế giá và những điều khoản ở hợp đồng mua bán điện thể hiện điều khoản về giảm công suất...
Ông Mark Hutchinson nhấn mạnh, không thị trường nào trên thế giới huy động được 3GW điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu tiên thông qua đấu thầu. Do đó, cần thực hiện cơ chế chuyển tiếp với giá cố định cho 4GW đầu tiên và sau đó tiến tới đấu thầu cho 3GW còn lại cho giai đoạn đến năm 2030. Hoặc thực hiện giải pháp lựa chọn nhà đầu tư theo các tiêu chí đặt ra...
Ông Stuart Livesey, Giám đốc quốc gia Việt Nam COP - Tổng giám đốc Công ty La Gan cũng nêu lý do phải có giai đoạn chuyển đổi trước khi chuyển ngay sang cơ chế đấu giá. Theo đó, các tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi cần được điều chỉnh bởi khung pháp lý và quy định hiệu quả, từ đó thu hút nhiều nhà phát triển, nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp và tài trợ trên toàn thế giới.
"Điểm đầu tiên trong kinh nghiệm phát triển các dự án là Chính phủ chủ động trong việc đánh giá các vị trí tiềm năng, từ đó có kế hoạch dài hạn, mạnh mẽ và nhất quán để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư," ông Stuart Livesey nói.
Điện gió là chiến lược quốc gia. Do đó, cần thu hút đầu tư của nước ngoài. Các công ty nước ngoài có kinh nghiệm sẽ biết nên đầu tư vào đâu là có lợi nhất. Chúng ta, nên tạo cơ chế thông thoáng để việc đầu tư vào điện gió hiệu quả nhất.