Tạo ra năng lượng sạch từ thủy triều

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:12, 12/06/2022

Một công ty Nhật Bản chuẩn bị thả một cỗ máy khổng lồ xuống đại dương để tạo ra nguồn điện mà trên lý thuyết là vô hạn.

Các chuyên gia cho rằng đây là một ý tưởng đúng lúc, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đối mặt với giá năng lượng tăng vọt còn Nhật phụ thuộc nhiều vào dầu khí nhập khẩu.

Dữ liệu chính thức cho thấy phụ thuộc năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch của Nhật giai đoạn 2010-2016 tăng từ 81% lên 89%. Trong cùng thời gian, mạng lưới điện hạt nhân nước này giảm từ 11,2% xuống còn dưới 1% từ sau thảm họa Fukushima.

Một số lựa chọn năng lượng tái tạo như điện gió không lý tưởng, một phần do phần lớn địa hình Nhật Bản là đồi núi. Điện từ thủy triều vì vậy mà nổi lên như một trong số lựa chọn còn lại nếu Nhật muốn thiết lập nguồn cung năng lượng tái tạo trong nước.

Để khai thác sức mạch thủy triều, đội ngũ kỹ sư công ty Công nghiệp nặng Ishikawajima-Harima (IHI) lắp ráp một máy phát điện thủy triều 330 tấn mang tên Kairyu, gồm một trụ trung tâm dài hơn 20 mét và hai trụ hai bên dài 11 mét có gắn tua bin.

nakairyu-1654702300.jpeg
Máy phát điện Kairyu - Ảnh: IHI

Kairyu lúc hoạt động được cố định dưới đáy biển bằng dây cáp. Máy sẽ sử dụng lực dòng nước làm quay tua bin tạo ra năng lượng hòa vào lưới điện quốc gia.

IHI đã dành ra nhiều năm phát triển Kairyu. Hồi tháng 2 năm nay, công ty hoàn thành cuộc thử nghiệm kéo dài kéo dài 3 năm rưỡi ngoài khơi bờ biển tây nam nước Nhật.

Mặc dù rất lớn nhưng Kairyu hiện chỉ tạo ra được 100 kilowatt – quá ít so với công suất trung bình 2,5 đến 3 megawatt của tua bin gió trên bờ (đủ cung cấp điện cho 1.500 hộ gia đình ở châu Âu). Tuy nhiên, IHI ước tính máy phát điện mà họ phát triển một ngày nào đó có thể sản xuất 205 gigawatt điện từ thủy triều quanh Nhật Bản để đáp ứng gần như 100% nhu cầu đất nước.

nascreen-shot-2022-06-08-at-12-12-15-pm-1654704751.png
Công suất của Kairyu hiện vẫn còn khiêm tốn - Ảnh: IHI

Ngoài vấn đề công suất thấp, điện thủy triều còn có 2 thách thức lớn: giá thành đắt đỏ vì chi phí lắp ráp máy phát và bảo trì cao, chưa có thị trường. Nhưng một số quốc gia - chẳng hạn như Scotland - đã thiết lập được hệ thống điện thủy triều. Với IHI, điện thủy triều là nguồn năng lượng có tiềm năng lớn nếu được khai thác hiệu quả.

Cẩm Bình