Để đường thông hè thoáng, sao lại chỉ dẹp bãi giữ xe quanh bệnh viện?
Góc bình luận - Ngày đăng : 16:08, 12/06/2022
Ngày 17.5.2022, Sở Giao thông vận tải TP.HCM có công văn “Đề nghị các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11 chỉ đạo tháo dỡ ngay hàng rào trên vỉa hè, trả nguyên trạng vỉa hè cho người đi bộ và người khuyết tật”. Dư luận rất hoan nghênh. Báo chí đồng loạt đưa tin, và các bãi xe vỉa hè bệnh viện được gọi tên đầu tiên. Cứ như đó là thủ phạm chính và phải dẹp bỏ ngay.
Văn bản nhấn mạnh “Tháo dỡ ngay hàng rào trên vỉa hè” có thể gây hiểu lầm là chỉ hàng rào mới bị tháo dỡ, thay vì dọn dẹp tất cả để “trả nguyên trạng vỉa hè”. Ở Việt Nam, chuyện vỉa hè bị lấn chiếm xưa như trái đất. Người dân bức xúc và nhà nước không ít lần chỉ đạo nhưng rồi mọi chuyên đâu lại vào đấy, cứ “Vũ Như Cẫn” sau mấy ngày ra quân đình dám.
Hằng ngày, các đội trật tự đô thị và cảnh sát trật tự đô thị vẫn thường xuyên kiểm tra, tịch thu phương tiện và hàng hóa của những người bán hàng rong không chạy thoát kịp. Dù có những ám hiệu thông tin từ xa nhưng bị đột kích thì chịu. Lạ là “đội” chỉ tịch thu của mấy người bán lẻ hoặc rong, chứ những đơn vị lấn chiếm công khai vẫn vô tư tồn tại.
Thử dừng lâu một chút trên vỉa hè, trước các cửa hàng; nhẹ thì được mời khéo đi chỗ khác, nặng thì bị quát tháo như đuổi tà. Vỉa hè dường như là giang sơn riêng của các cửa hàng, quán ăn mặt tiền. Tốn không biết bao nhiêu văn bản chỉ đạo đề nghị (chưa thấy ra lệnh); rất nhiều hội thảo, hội nghị; vô số giấy tờ, bài vở, phim ảnh của báo chí, phát thanh, truyền hình… Tất cả thừa quyết tâm nhưng thiếu cách làm cụ thể và triệt để nên chuyện vỉa hè thành thứ tiểu thuyết trường thiên ngày càng trầm trọng.
Riết chẳng mấy ai tin vào những đề nghị “quyết liệt” kiểu vô thưởng vô phạt. Có người bi quan bảo “quyết hoài làm không được nên liệt luôn”. Có người khẳng định như đinh đóng cột “Dẹp hết việc lấn chiếm vỉa hè thì cán bộ mất nguồn thu lớn. Càng nhiều vi phạm thì càng có nguồn thu. Xử phạt chỉ tượng trưng, thu ngầm ngoài sổ sách mới quan trọng”. Thực hư thế nào, cần được minh bạch.
Nhà bạn tôi 3 tầng ở mặt tiền đường quận trung tâm. Chỉ dỡ nhà vệ sinh tầng 1 để nhà ăn thoáng hơn lập tức bị phường lập biên bản, yêu cầu phải nhờ công ty xây dựng (phường giới thiệu luôn) làm phương án. Ngặt nỗi, tiền làm phương án đắt gấp mấy lần tiền tháo dỡ. May là có người quen trên quận, điện thoại can thiệp nên chỉ phải làm tờ trình.
Rất nhiều vỉa hè bị lấn chiếm, chấp nhận bị xử phạt và cả thu ngầm vì đôi bên cùng có lợi. Địa phương (thu công khai) và cán bộ (thu ngầm) lẫn người lấn chiếm đều có lợi. Nội thành và cả vùng ven, mặt tiền đường lấy đâu ra bãi xe riêng, trừ khi lấn chiếm vỉa hè? Đừng tưởng chính quyền làm ngơ. Không hề. Quên nộp hay nộp thiếu là biết ngay. Họ đóng phạt đầy đủ nên cứ mặc nhiên vi phạm.
Văn bản ghi “Trả lại vỉa hè cho người đi bộ và người khuyết tật”. Nghe rất nhân văn. Có những đoạn đường và cầu không hề có vỉa hè cho người đi bộ thì lấy đâu ra mà trả? Ở Việt Nam hình như không có người khuyết tật. Rất nhiều vỉa hè không có tối thiểu lối lên xuống cho xe lăn. Mép vỉa hè thì trăm hoa đua nở, mỗi nơi một kiểu. Nhà mặt tiền cứ tha hồ đổ xi măng làm lối lên xuống riêng theo ý chủ nhà.
Vô lý nhất là việc làm các thanh chắn inox trên vỉa hè để ngăn xe gắn máy. Nó vừa chứng tỏ sự bất lực về quản lý, vừa cấm cửa xe lăn và người khuyết tật, vừa mất mỹ quan đô thị. Vài lề đường, có lót gạch riêng cho người khiếm thị nhưng vì làm dối, chỉ vài năm là bong tróc hết. Người khuyết tật ở Việt Nam có kỹ năng thích nghi và vượt khó rất giỏi, nhất là việc di chuyển khi không có vỉa hè.
Việc dẹp các bãi giữ xe, sao chỉ nêu đích danh các bãi giữ xe quanh những bệnh viện? Phải chăng dễ làm hơn hay vì "GATO" (ghen ăn tức ở) như có người suy diễn? Các bệnh viện xây dựng từ trước 1975 đều quy hoạch có bãi xe bên trong khuôn viên. Sau này, do bệnh viện mở rộng, bãi xe thu hẹp, thậm chí biến mất, công suất giường có lúc gấp đôi, thiếu chỗ giữ xe là đương nhiên.
Có cung là có cầu. Các bãi giữ xe tự phát quanh những bệnh viện có 2 lý do chính để tồn tại. Một là bệnh viện thiếu chỗ giữ xe. Đây là nguyên nhân chủ yếu. Muốn dẹp các bãi xe quanh bênh viện thì phải có chỗ giữ xe khác thay thế. Không khéo, chỉ làm khổ thêm thân nhân người bệnh nghèo. Hai là bãi xe trong bệnh viện có vấn đề, người dân chọn gửi bên ngoài, thuận lợi, niềm nở hơn.
Các bãi xe bệnh viện, mỗi nơi thu một kiểu. Bãi xe bệnh viện Nguyễn Trãi không chỉ lấy đúng giá mà xe số còn được giảm so với xe tay ga. Các bệnh viện khác thu cào bằng, có nơi thường quên thối lại do thiếu tiền lẻ. Vào gửi xe, bệnh viện nào cũng ghi “Tắt máy, dẫn bộ” nhưng hầu như chẳng mấy ai thực hiện, kể cả nhân viên.
Vài kiến nghị:
Việc dọn dẹp để giải phóng vỉa hè nên có lộ trình cụ thể, không dây dưa nhưng cũng không thể “đùng một cái”. Phải có thời hạn để chuẩn bị thực thi. Làm tới nơi tới chốn, thí điểm từ phường lên quận và nhân rộng. Quan trọng nhất là xác định trách nhiệm cá nhân, không đổ mọi thứ cho tập thể chung chung.
Việc dẹp những bãi xe quanh bệnh viện càng phải cân nhắc. Chấn chỉnh các bãi xe bên trong, nếu có vấn đề. Xây bãi giữ xe tầng hoặc hầm trong bệnh viện trước khi dẹp bỏ các bãi xe lấn chiếm vỉa hè chung quanh.
Vỉa hè gắn với hàng rong. Họ rất cần được sắp xếp, tạo điều kiện mưu sinh nhưng không vi phạm pháp luật. Nhiều nước cho sử dụng vỉa hè sau giờ hành chính, dĩ nhiên phải đảm bảo thông thoáng theo quy định.
Các vỉa hè phải có lối lên xuống cho xe lăn và lát gạch đường đi cho người khiếm thị. Nhổ bỏ ngay các cọc inox ngăn xe gắn máy lên vỉa hè. Mép vỉa hè phải thống nhất theo quy định, không để thập cẩm như hiện nay. Giải phóng ngay các gờ lên xuống tự phát, lấn chiếm lòng đường và vỉa hè của các hộ nhà mặt tiền.
Khi cấp phép kinh doanh, ngoài việc phải có nhà vệ sinh, cần đảm bảo chỗ giữ xe tương ứng. Đó là điều kiện bắt buộc. Các nước đều làm thế. Những vỉa hè rộng 4 mét trở lên có thể được phép tận dụng, cho thuê lại. Vỉa hè 6 mét ở Chiang Mai (Thái Lan) còn được sử dụng làm chợ đêm. Người bán quay lưng ra đường. Chính giữa có lối đi cho người mua. Xe cộ vẫn lưu thông và không có việc dừng xe lòng đường để mua hàng vỉa hè.
Việt Nam đã đổi mới và hòa nhập thế giới gần 4 thập niên. Không thể mãi một mình một chợ, làm khác thiên hạ. Kinh tế đã vậy, giao thông càng phải tiên phong, mà chuyện vỉa hè của người đi bộ, trong đó có người khuyết tật, phải là ưu tiên hàng đầu của các đô thị.
Nguyễn Văn Mỹ