Câu chuyện khoa học: Dùng điện thoại để “soi”… thịt lợn
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 06:36, 22/11/2016
Từ tháng 12 tới, Sở Công Thương TPHCM sẽ thực hiện quy trình nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn trên địa bàn.
Đơn vị này đã hoàn thành giao diện và ứng dụng giúp các trang trại, cơ sở giết mổ, kinh doanh tham gia đề án thực hiện quy trình này; giao diện và ứng dụng để người tiêu dùng tự kiểm tra mã sản phẩm thịt lợn (QR Code), thông tin về sản phẩm, về đơn vị tham gia đề án, các điểm bán có truy xuất nguồn gốc.
Sở cũng thiết kế website quảng bá đề án, đăng các văn bản pháp lý, biểu mẫu cho doanh nghiệp có nhu cầu tham gia; thiết kế, in ấn tem truy xuất với công nghệ cao, tránh giả mạo…
Từ tháng 12 tới, TPHCM sẽ thực hiện quy trình nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn trên địa bàn.
Trong giai đoạn 1, đề án quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt lợn từ cổng trang trại qua các khâu giết mổ, vận chuyển, qua chợ đầu mối đến siêu thị, chợ bán lẻ và người tiêu dùng; giai đoạn 2 sẽ quản lý toàn bộ chu trình khép kín từ khi lợn sinh ra đến khi sản phẩm thịt tới tay người tiêu dùng.
Như vậy, với một chiếc điện thoại, bằng một động tác đơn giản là quét mã (QR code), người tiêu dùng có thể biết ngay xuất xứ, thời điểm mổ của miếng thịt lợn, hạn chế tối đa tình trạng thịt lợn bẩn lưu thông.
Câu chuyện về điện thoại thông minh và chức năng QR code không hề mới. Rất nhiều hàng hóa đang được sử dụng QR code song song với mã vạch; thế nhưng với thực phẩm tươi sống thì có lẽ đây là lần đầu tiên Việt Nam có một dự án quy mô như vậy.
Sở Công Thương TPHCM cho biết, sau thịt lợn, quy trình quản lý này sẽ được áp dụng cho các mặt hàng thịt khác, rau củ quả... Quy trình quản lý này hoàn toàn có thể triển khai ở Hà Nội và các thành phố khác bởi không quá đắt đỏ và phức tạp. Quan trọng là thuyết phục được các doanh nghiệp tham gia.
Câu chuyện QR code với thịt lợn một lần nữa khẳng định, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào đời sống không phải là chuyện gì lớn lao mà rất gần gũi, giản dị. Việc các lão nông cải tiến kỹ thuật để tạo ra máy băm bèo, thái chuối, tuốt ngô… cũng vậy, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, không nhất thiết phải là sản xuất tên lửa hay bay vào vũ trụ.
Bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, có nghiên cứu cơ bản, có nghiên cứu ứng dụng, cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện công nghệ… Tất cả đều phục vụ cuộc sống con người. KH&CN không hẳn là tháp ngà và các nhà khoa học cũng đừng “chôn mình” trong tháp ngà. Việc truy xuất nguồn gốc miếng thịt, mớ rau để khẳng định đó là thực phẩm sạch là một quy trình KH&CN hết sức ý nghĩa, dù không to tát, cao siêu.
Linh Giang (KHPT)