Bộ GD-ĐT đưa lộ trình giảm điểm ưu tiên xét tuyển đại học

Giáo dục - Ngày đăng : 21:14, 13/06/2022

Quy chế tuyển sinh 2022 vừa được Bộ GD-ĐT công bố cuối tuần qua có một số điểm mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi xét tuyển của các thí sinh.

Điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đại học

Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 vừa công bố có 8 điểm mới và điểm quan trọng nhất là việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau. 

Cụ thể có những điểm mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi xét tuyển của các thí sinh như: thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến. Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của đợt xét tuyển 1 sẽ được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định.

Nhờ vậy, thí sinh chủ động về thời gian và các nguyện vọng đăng ký xét tuyển; việc đăng ký và điều chỉnh thực hiện trong một đợt (thay vì hai đợt như trước đây). Đây quy định thuận lợi cho các cơ sở đào tạo vì có thể lọc ảo gần như tuyệt đối.

Đáng chú ý hơn nữa, nếu như năm trước, các thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT như xét học bạ, xét các loại chứng chỉ, xét tuyển thẳng thì ngay sau khi biết điểm của kỳ thi, các em sẽ phải xác nhận nhập học ngay. Còn năm nay, các trường chỉ có trách nhiệm thông báo kết quả xét tuyển của các phương án nói trên, không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm.

Điều này sẽ giúp các thí sinh có thêm những lựa chọn khác phù hợp với mức điểm của mình. Đồng nghĩa với việc các cơ sở đào tạo sẽ không còn lượng chỉ tiêu "chắc chắn". Vì vậy việc chủ động phân bổ chỉ tiêu cho các phương án tuyển sinh là hết sức cần thiết. Ví dụ như Đại học Bách khoa Hà Nội dành đến 80% chỉ tiêu cho các phương án tuyển sinh khác ngoài phương án tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.

thi-thpt-dot-2-10.jpg
Các thí sinh tham dự kỳ thi THPT 2021

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, theo thống kê trong kỳ tuyển sinh năm nay, có gần 90 đơn vị đào tạo sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP.HCM tổ chức xét tuyển, khoảng 50 đơn vị đào tạo sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức và khoảng 20 đơn vị sử dụng kết quả bài kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong trường hợp này, các đơn vị đào tạo và các thí sinh hoàn toàn có thể chủ động, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ mang tính điều kiện.

Cách tính điểm ưu tiên tuyển sinh từ năm 2023

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT cho biết, trong Quy chế tuyển sinh 2022 còn một điểm mới quan trọng đó là thay đổi cách tính điểm khi xét tuyển đại học, cao đẳng. Bắt đầu từ năm sau, các thí sinh sẽ không cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng như hiện nay. Điểm 22,5 sẽ là mốc, các thí sinh có số điểm dưới 22,5 điểm sẽ cộng như hiện nay, còn trên 22,5 sẽ có cách tính khác. Điều này sẽ đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh có hoặc không có điểm ưu tiên.

Theo bà Thủy, khi chưa được cộng điểm ưu tiên thì nhóm thí sinh ở KV1, KV2, KV2-NT có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng điểm ưu tiên (KV3). Nhưng khi được cộng điểm ưu tiên thì điểm trung bình của nhóm được cộng điểm ưu tiên lại lớn hơn (thậm chí tỉ lệ lớn gấp nhiều lần) so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên. Kết quả phân tích quá trình học tập của 2 nhóm thí sinh này trong trường đại học cho thấy điều này gây ra bất bình đẳng giữa 2 nhóm đối tượng trên. Nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở KV3 khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu. Thống kê cũng cho thấy, có nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao thì lại có rất ít thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên.

"Để đảm bảo việc tuyển sinh được diễn ra ổn định, không xáo trộn đột ngột nên Bộ GD-ĐT đưa ra Quy chế tuyển sinh hiện hành cũng đã đưa ra lộ trình để áp dụng, cụ thể các thay đổi trên sẽ được thực hiện từ năm 2023 để tránh việc thí sinh hoang mang", bà Thủy chia sẻ.

Dạ Thảo