Chủ xe tải Hàn đình công vì giá xăng tăng vọt, nhà máy chip Samsung ở Trung Quốc ảnh hưởng

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:43, 14/06/2022

Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho biết hoạt động sản xuất chip của Samsung Electronics tại Trung Quốc đang phải đối mặt với sự gián đoạn từ cuộc đình công từ hàng ngàn tài xế xe tải ở Hàn Quốc, vốn đang ngăn chặn xuất khẩu nguyên liệu quan trọng.

Đây là dấu hiệu cụ thể đầu tiên cho thấy cuộc đình công kéo dài một tuần đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chip, khiến các ngành công nghiệp của Hàn Quốc thiệt hại hơn 1,2 tỉ USD vì sản lượng bị mất và lượng hàng không được đáp ứng.

KITA cho biết một công ty Hàn Quốc sản xuất cồn isopropyl (IPA), nguyên liệu thô để làm sạch wafer chip, đang phải đối mặt với những rắc rối trong việc vận chuyển cho một công ty Trung Quốc, nơi cung cấp wafer cho một nhà máy Samsung Electronics ở Trung Quốc.

Wafer là miếng silicon mỏng được cắt ra từ thanh silicon hình trụ, được sử dụng như vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp.

KITA cho biết khoảng 90 tấn wafer, tương đương một tuần các chuyến hàng đã bị trì hoãn.

Samsung Electronics không đưa ra bình luận ngay lập tức.

Samsung Electronics sản xuất chip nhớ flash NAND, được sử dụng để lưu trữ dữ liệu trong các trung tâm dữ liệu, smartphone và các thiết bị công nghệ khác, tại nhà máy ở thành phố Tây An (Trung Quốc).

chu-xe-tai-han-quoc-dinh-cong-vi-gia-xang-tang-vot-nha-may-chip-samsung-o-trung-quoc-bi-anh-huong.jpg
Các tài xế xe tải Cargo Truckers Solidarity tham gia một cuộc biểu tình ở Ulsan, Hàn Quốc, ngày 10.6 - Ảnh: Reuters

Hôm 13.6, Công đoàn xe tải Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục cuộc tổng đình công và lên án Bộ Giao thông vận tải vì "không sẵn sàng đối thoại và cũng không có khả năng giải quyết tình hình hiện tại".

Công đoàn xe tải Hàn Quốc đang phản đối việc giá nhiên liệu (xăng, dầu) tăng vọt và yêu cầu đảm bảo mức lương tối thiểu. Bốn vòng đàm phán với chính phủ Hàn Quốc đã không tìm được thỏa hiệp.

Nhà máy của Samsung Electronics tại Tân An đã chứng kiến ​​sản xuất bị gián đoạn vào đầu năm nay do phong tỏa ở Trung Quốc, khiến giá NAND tăng mạnh trên toàn cầu.

NAND là bộ nhớ điện tĩnh flash có thể lưu trữ dữ liệu ngay cả khi không được kết nối với nguồn điện. Khả năng lưu trữ dữ liệu khi tắt nguồn khiến NAND trở thành lựa chọn tuyệt vời cho các thiết bị bên trong, bên ngoài và thiết bị lưu động.

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc có hai dây chuyền tại Tây An để sản xuất các sản phẩm flash NAND tiên tiến, chiếm khoảng 43% tổng công suất sản xuất bộ nhớ flash NAND và 15% tổng công suất toàn cầu, theo công ty theo dõi thị trường TrendForce.

Nhiều ngành công nghiệp Hàn Quốc ảnh hưởng do tài xế xe tải đình công trên diện rộng

Cuộc đình công kéo dài 1 tuần của các tài xế xe tải tại Hàn Quốc làm gián đoạn sản xuất và chậm trễ hoạt động logistics trên cả nước.

Theo ước tính của Bộ Công nghiệp Hàn Quốc, chỉ riêng bốn ngành sản xuất ô tô, thép, hóa dầu và xi măng đã chịu thiệt hại khoảng 1,2 tỉ USD do sụt giảm sản lượng và không thể giao hàng.

Cảng biển và logistics

Tính đến ngày 12.6, đã có 4.100 tài xế, tương đương 19% thành viên của nghiệp đoàn tham gia đình công trên cả nước, làm đình đốn lưu thông hàng hóa tại các cảng và nhà máy của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

Trong ngày 12.6, lượng container hàng hóa ra vào Busan, cảng lớn nhất tại Hàn Quốc, đã giảm xuống còn 25% so với tháng trước. Tại cảng Incheon, con số này đã giảm 20% so với mức bình thường.

Theo đại diện cảng Busan, cảng container lớn thứ 7 thế giới, cuộc đình công trên diện rộng của các tài xế xe tải đã cắt giảm 2/3 lưu lượng container so với mức bình thường tại đây.

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc cũng cho biết các bãi chứa container đang dần bị đầy nên các cơ quan chức năng đang phải gấp rút thảo luận các biện pháp để đảm bảo an toàn hơn. Mặt khác, vụ đình công cũng khiến việc di chuyển của các container tại cảng Ulsan chiếm khoảng 10% lưu lượng cảng của Hàn Quốc bị tạm dừng từ đầu tuần trước.

Do ảnh của cuộc đình công, công suất khu phức hợp nhà máy sản xuất lớn nhất của Hyundai Motor ở thành phố Ulsan bị giảm xuống khoảng 60% do không nhận được kịp thời các bộ phận lắp ráp, hay vận chuyển sản phẩm hoàn chỉnh. Theo một quan chức công đoàn của Hyundai Motor, các nhà máy của tập đoàn đã buộc phải hoạt động bổ sung vào cuối tuần để giải quyết các đơn hàng vẫn còn tồn đọng.

Cũng theo công đoàn, một ngày các nhà máy của Hyundai Motor ở Ulsan có khả năng sản xuất khoảng 6.000 xe. Điều này cũng tương đương với việc cuộc đình công đã khiến nhà sản xuất này bị thiệt hại khoảng 4.000 đến 5.000 xe tính tới 10.6, nâng tổng thiệt hại lên tới 182,65 triệu USD.

Dù vậy, đại diện của Hyundai Motor chỉ cho biết công ty đang gặp phải sự gián đoạn nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết. Mặt khác, Hyundai Motor cũng bày tỏ hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.

Ngành sản xuất pin và linh kiện bán dẫn

Hàn Quốc cũng là nhà xuất khẩu chip bán dẫn lớn nhất thế giới, với công ty hàng đầu về chip Samsung Electronics.

25% thị trường pin ô tô điện toàn cầu đến từ các công ty Hàn Quốc như LG Energy Solution, SK Innovation, SK On và Samsung SDI. Đến nay các cuộc đình công vẫn chưa gây nên bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào nhưng nếu tiếp tục kéo dài, các công ty này sẽ đánh giá lại khả năng xử lý các lô hàng.

Thế nên biểu tình làm dấy lên lo ngại chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã tắc nghẽn vì các biện pháp phong tỏa và ảnh hưởng từ cuộc chiến tại Ukraine, sẽ tiếp tục chịu thêm áp lực.

Ngành sản xuất xi măng và thép

Theo Reuters, tập đoàn sản xuất thép khổng lồ POSCO đã ghi nhận 1/3 các lô hàng từ hai nhà máy lớn của mình gặp phải gián đoạn, tương đương với 35.000 tấn thép mỗi ngày. Ngoài ra, POSCO cũng lên kế hoạch tạm dừng một số nhà máy từ ngày 13.6, do thiếu không gian để lưu trữ các sản phẩm chưa vận chuyển.

Mặt khác, một nhà sản xuất xi măng lớn cho biết phải ngừng vận chuyển trong 4 ngày kể từ 10.6 do các tàu xế xe tải đình công chặn bên ngoài cổng. Ngoài ra, nguyên liệu thô trong kho của công ty này cũng đang cạn kiệt và kho chứa sắp đạt công suất.

Theo hãng thông tấn Newsis, các xe tải đã chặn lối vào địa điểm làm việc của Xi măng Hanil và Xi măng Sungshin tại tỉnh Chungcheong, khiến các công ty này phải tăng cường vận chuyển bằng tàu hỏa để giảm thiểu tác động.

Đại diện của Xi măng Hanil từ chối bình luận về cuộc đình công, song xác nhận rằng công ty đang sử dụng tàu để chở nguyên liệu xi măng. Ngoài ra, người này cũng cho biết thêm quá trình sản xuất xi măng cuối cùng của công ty đã buộc dừng lại do thiếu kho chứa.

Theo một quan chức tại Hiệp hội Xi măng Hàn Quốc hôm 12.6, khoảng 90% xi măng không được vận chuyển từ các nhà máy của các thành viên hiệp hội do cuộc đình công của các tài xế. Kể từ đầu tuần trước khi cuộc đình công diễn ra, ngành xi măng Hàn Quốc đã bị thiệt hại khoảng 11,6 triệu USD mỗi ngày. Tính đến 10.6, ước tính lỗ lũy kế với các công ty xi măng là khoảng 646,6 triệu USD.

Ngành lọc dầu và hóa dầu

Ngày 13.6, Hiệp hội Công nghiệp Hóa dầu Hàn Quốc cho biết lượng hàng hóa trung bình xuất khỏi nhà máy tại các công ty thành viên đã giảm tới 90% so với mức bình thường. Các lô hàng trung bình hàng ngày cũng đã giảm xuống 10% so với 74.000 tấn thông thường kể từ cuộc đình công bắt đầu vào ngày 7.6. Các doanh nghiệp hóa dầu phải cắt giảm hoạt động, khi lượng hàng hóa tăng nhanh nhưng hoạt động vận chuyển lại bị gián đoạn do đình công.

Theo một quan chức giấu tên thuộc tổ chức này, các cuộc đình công đang gây ra mối đe dọa lớn nhất tới công tác hậu cần của polyethylene và polypropylene – hai hóa chất quan trọng trong việc sản xuất các linh kiện ô tô cũng như sản xuất nhựa.

Đại diện của một nhà máy lọc dầu lớn giấu tên nói hiện việc vận chuyển và giao hàng không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc đình công. Ngoài ra, các trạm xăng cũng đang còn đủ hàng tồn kho cho 2 tuần. Song nếu cuộc đình công không được giải quyết nhanh chóng, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Sơn Vân