Hoạt động dầu khí cần gắn liền với khẳng định chủ quyền biển đảo
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:47, 15/06/2022
Khuyến khích thu hút đầu tư khai thác dầu khí
Ngày 15.6, thảo luận về dự án Luật Dầu khí, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) bày tỏ thống nhất cao với Chính phủ về mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này là tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; đặc biệt trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp và nhất là những khu vực nước sâu xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh trên Biển Đông.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, dự thảo Luật Dầu khí chưa quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích. Thậm chí khi đối chiếu với chương 6 về các chính sách ưu đãi đầu tư thì chính sách ưu đãi đầu tư này chỉ áp dụng cho hoạt động dầu khí, mà hoạt động dầu khí thì không bao gồm hoạt động điều tra cơ bản.
Do đó, đại biểu Hiếu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét có nên áp dụng các biện pháp khuyến khích ưu đãi đầu tư tại chương 6 đối với hoạt động điều tra cơ bản hay không. Trong trường hợp không áp dụng thì lên thiết kế ngay trong luật này những cơ chế, chính sách để áp dụng đối với hoạt động điều tra cơ bản.
Đóng góp ý kiến về công tác điều tra cơ bản dầu khí trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, để có được khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất và khả thi, thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động và dự báo tốt bối cảnh tình hình khu vực và thế giới, nhất là tình hình Biển Đông, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050… và các luật liên quan khác.
Theo đại biểu Tạ Đình Thi, công tác điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải được phát triển trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại và huy động nguồn lực từ bên ngoài và nội tại của đất nước. Khai thác tài nguyên dầu khí một cách hiệu quả, tận thu và không bỏ phí tài nguyên dầu khí, đảm bảo an toàn môi trường.
“Điều cần quan tâm đặc biệt là hoạt động dầu khí cần gắn liền với khẳng định chủ quyền biển đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Đó là những nội dung cốt lõi cần được nghiên cứu, rà soát và bổ sung vào các điều, khoản có liên quan của dự thảo luật”, ông Thi nói.
Theo đại biểu Thi, ngoài việc điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí và các hoạt động liên quan, cần quan tâm đến hoạt động chế biến để tạo các sản phẩm hóa dầu với giá trị gia tăng cao hơn và phù hợp với định nghĩa ở khoản 9, điều 3 và bổ sung giải thích từ ngữ về điều tra cơ bản dầu khí trong dự thảo luật.
Công tác điều tra cơ bản dầu khí cần đầu tư nguồn lực rất lớn, đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi vào điều 5 để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí cũng như các hoạt động dầu khí khác.
Theo đại biểu Tạ Đình Thi, cần ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Mặt khác, cần có cơ chế để kết hợp các hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của các cơ quan, chia sẻ thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra để tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng điều tra biển.
Quy định rõ trách nhiệm về bảo vệ môi trường
Về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí, các sự cố tràn dầu “không rõ nguyên nhân” diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế và để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường biển.
Nguy hiểm hơn, khó phát hiện hơn và gây hậu quả lâu dài là hiện tượng dầu âm thầm rò rỉ, thoát ra biển do các hoạt động dầu khí như: xử lý không tốt các lỗ khoan thăm dò và lỗ khoan sau khai thác, khi triển khai hoạt động khai thác, thu dọn công trình dầu khí…
Do vậy, đại biểu Thi đề nghị ban soạn thảo làm rõ và bổ sung vào trong dự thảo luật các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và cơ quan quản lý trong việc xây dựng, trình duyệt và kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.
Đại biểu Nguyễn Văn An cho biết, đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong các hoạt động dầu khí, quy định tại dự thảo luật còn chưa thật cụ thể, dẫn đến khó để đảm bảo triển khai trong thực tiễn, chưa gắn được trách nhiệm nếu xảy ra sự cố về môi trường.
“Tôi đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát hợp đồng dầu khí và các hoạt động dầu khí. Các quy định này giao cho Chính phủ quy định chi tiết, vì hầu như các các mỏ đều nằm ở ngoài biển xa và muốn tới đó để kiểm tra, khảo sát tình hình sinh thái, môi trường biển quanh mỏ rất khó khăn”, ông An nói.