Tuyến cáp IA tiếp tục chập chờn mất kết nối, AAG dự kiến mùng 1 Tết mới sửa xong
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 16:49, 12/01/2017
Các thuê bao Internet Viettel mất kết nối hướng quốc tế, Internet trong nước chập chờn
Chiều 11.1.2017, nhiều khách hàng sử dụng mạng Internet do Viettel cung cấp ở TP.HCM và Đà Nẵng đã phản ánh tình trạng không thể truy cập vào Google, Facebook và một số website quốc tế. Riêng những người dùng sử dụng Google Public DNS gặp tình trạng sự cố nghiêm trọng hơn khi việc mất kết nối này khiến các máy chủ DNS của Google không phân giải được tên miền trỏ về các máy chủ đặt ở Việt Nam khiến nhiều website trong nước cũng rất khó truy cập và chập chờn.
Người dùng Facebook phản ánh tình trạng không truy cập được - Ảnh: Zing
Viettel nói gì trước sự cố trên?
Khi xảy ra sự cố chiều 11.1, phóng viên Một Thế Giới đã liên hệ ngay với tổng đài hỗ trợ khách hàng của Viettel. Theo thông tin từ tổng đài viên cho biết do tuyến cáp quang tiếp tục bị sự cố nên có thể dẫn đến việc truy cập bị gián đoạn, chập chờn. Viettel đang cố gắng xử lý sự cố nhanh nhất, giảm ảnh hưởng đến khách hàng và sẽ gọi lại sau khi xử lý xong.
Sáng 12.1, đại diện Viettel cho biết nguyên nhân của việc mạng chập chờn, gián đoạn như trên là do tuyến cáp quang biển IA gặp sự cố vào lúc 16 giờ 15 chiều 11.1. Nguyên nhân được thông báo là do đường cáp quang bị sụt nguồn tại phía Singapore làm giảm dung lượng kết nối quốc tế của nhà cung cấp trong nước, khiến các hướng kết nối từ Việt Nam đi Hồng Kông, Singapore, Mỹ bị gián đoạn.
Trước đó, vào sáng 10.1, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) gặp sự cố đứt cáp gây mất liên lạc theo hướng kết nối đi Hồng Kông. Nhưng đến chiều cùng ngày thì kết nối trên tuyến cáp IA đã được khôi phục, hoạt động ổn định trở lại.
Viettel làm gì để xử lý sự cố?
Đại diện Viettel cho viết Viettel đã nhanh chóng định tuyến lại, chia tải dung lượng kết nối qua hướng cáp biển APG và 2 hướng đất liền khác nhằm đảm bảo tối đa chất lượng dịch vụ cho các khách hàng. Viettel đã hoàn thiện bổ sung khoảng 300 Gb/s trên các hướng kết nối Viettel hiện có để duy trì dịch vụ. Bên cạnh đó, Viettel sẽ lắp đặt thêm các bộ cache dung lượng (lưu trữ dữ liệu) cho hệ thống máy chủ của Google, Facebook tại Việt Nam để đảm bảo các dịch vụ này không cần kết nối ra quốc tế.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, hiện tượng chập chờn mất liên lạc vẫn còn xảy ra trong sáng 12.1.2017, đến trưa đã ổn định hơn những vẫn còn khá chậm.
Các nhà mạng khác có bị ảnh hưởng trong đợt này không?
Mặc dù chưa có thông cáo hoặc báo cáo chính thức nào từ các nhà mạng khác nhưng theo quan sát của phóng viên thì chưa có nhiều phản ảnh từ khách hàng về việc các nhà mạng khác bị mất kết nối Internet. Tuy nhiên, vào thời điểm xảy ra sự cố chiều 11.1 cho đến hôm nay, các nhà mạng khác như VNPT, FPT... vẫn thỉnh thoảng xuất hiện hiện tượng không truy cập được, chập chờn ở một số giờ cao điểm vào chiều tối hoặc sáng. Tuy nhiên tần suất và mức độ ảnh hưởng không đáng kể.
Biện pháp khắc phục tạm thời
Để khắc phục, giảm ảnh hưởng sự cố đứt cáp trên, người dùng nên tạm thời tháo bỏ Google Public DNS để hạn chế việc phân giải tên miền bằng máy chủ nước ngoài, sử dụng các Public DNS mặc định của nhà mạng để tăng tốc truy cập từ tên miền đến các máy chủ, hạn chế việc mất kết nối dẫn đến không truy cập được đến website nào. Bạn có thể thực hiện theo video hướng dẫn sau, tuy nhiên đối với các modem thiết lập trong cấu hình mặc định thì hướng dẫn này không có hiệu lực.
Ông Bạch Quang Khải, Công ty cổ phần truyền thông DTS nói với phóng viên Một Thế Giới: "Cũng như những thông tin ở trên, sự cố vừa qua đã gây ảnh hưởng khá lớn đến cá nhân người sử dụng Internet khi rất khó khăn để truy cập các dịch vụ Internet quốc tế như Google, Facebook...
Bên cạnh đó mặc dù theo phản hồi tối 11.1.2017 về việc đang chuyển hướng kết nối quốc tế sang 2 hướng đất liền và hướng APG (Asia Pacific Gateway - tuyến cáp biển có tốc độ lớn hơn rất nhiều so với AAG & đang trong quá trình thử nghiệm) để chia sẻ băng thông và tăng tốc độ truy cập, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, 12 giờ ngày 12.1.2017, thì sự cố vẫn chưa được khắc phục. Song song đó, theo thông tin của một đối tác, tuyến cáp AAG dự kiến sẽ hoàn tất khôi phục vào 7 giờ ngày 29.1.2017 trong khi tuyến IA thì chưa có thông tin ngày giờ khôi phục".
Ông Hoàng Đình Tuyến, Giám đốc điều hành SDATA, công ty chuyên cung cấp dịch vụ máy chủ cho biết: "Sự cố đứt đường truyền cáp quang của Việt Nam đi quốc tế của 2 tuyến cáp AAG và AI vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến các các nhà cung cấp dịch vụ đường truyền Internet và các nhà cung cấp dịch vụ máy chủ tại Việt Nam.
Sự cố lần này làm cho đường truyền đi quốc tế bị chậm và chập chờn. Rất khó truy cập vào các trang Web và dịch vụ của nước ngoài. Riêng đối với khách là người dùng cuối là ảnh hưởng rất lớn nhất. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoặc cá nhân có những giao dịch với đối tác nước ngoài hoặc những khách hàng đang sử dụng các hình thức marketing online".
Cáp AAG dự kiến sớm nhất mùng 1 Tết (28.1) mới sửa xong
Như các thông tin đã đưa trước đó trên Một Thế Giới, đại diện công ty dịch vụ viễn thông VNPT cho biết theo thông tin cập nhật từ đơn vị điều hành AAG gửi tới các hãng cung cấp dịch vụ Internet thì tới ngày 27.1 tàu sửa cáp mới tiếp cận được vị trí gặp sự cố.
Từ thông tin ban đầu của VNPT, ông Bạch Quang Khải và ông Hoàng Đình Tuyến nói rằng có thể sự cố này sẽ được khắc phục hoàn toàn vào ngày 29.1.2017 (tức mùng 2 Tết). Do đó, dự kiến sớm nhất là ngày 28.1 (1 ngày sau khi tàu tiếp cận vị trí) thì cáp AAG mới được khắc phục. Tuy nhiên, việc này có thể kéo dài hơn và phụ thuộc rất nhiều vào đơn vị điều hành AAG.
Mạnh Cường