Chiến tranh ở Ukraine kéo dài sẽ khiến toàn cầu bất ổn

Quốc tế - Ngày đăng : 12:14, 18/06/2022

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu có thể dẫn đến tình trạng bạo loạn ở hàng chục quốc gia, nếu như cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục kéo dài.

Chủ nhiệm WFP David Beasley nói thế giới đối mặt với sự thiếu hụt lương thực “rất đáng sợ”, và điều này có thể gây bất ổn cho các quốc gia dựa cậy vào nguồn lúa mì xuất khẩu từ Nga và Ukraine.

Ông Beasley cho biết: “Thậm chí từ trước cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chúng ta đã đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có ở cấp toàn cầu do dịch COVID và giá xăng dầu tăng. Khi ta nghĩ không gì có thể tệ hơn nữa thì cuộc chiến này lại gây hậu quả tàn phá”.

Ukraine mỗi năm trồng đủ lương thực thực phẩm để nuôi 400 triệu người trên thế giới. Nước này sản xuất 42% dầu hướng dương, 16% bắp và 9% lúa mạch cho thế giới. Nước Somalia hoàn toàn lệ thuộc nguồn lúa mạch nhập khẩu từ Ukraine và Nga, còn Ai Cập cũng nhập tới 80% lúa mạch từ hai nước này.

WFP cũng nhập 40% lúa mạch từ Ukraine cho chương trình giải cứu lương thực khẩn cấp của cơ quan này, và sau khi chi phí hoạt động tăng 70 triệu USD/tháng, WFP đã phải ngưng cứu trợ ở nhiều nước.

Dẫn việc tăng chi phí vận chuyển, giá phân bón và giá nhiên liệu cũng tăng mà các nguyên nhân chính là dịch COVID-19, sự thay đổi thời tiết và cuộc chiến ở Ukraine, ông Beasley nói số người “phải chịu đói kinh niên” đã tăng từ 650 triệu lên 810 triệu người trong vòng 5 năm qua.

Số người trải qua “sốc đói” cũng tăng từ 80 triệu lên 325 triệu người trong cùng thời gian. Những người này được xếp là “sống trong các cấp độ khủng hoảng của sự bất ổn lương thực”, một thuật ngữ mà ông Beasley mô tả là “đi tới nạn đói và bạn không biết bữa ăn kế tiếp của mình đến từ đâu”.

Ông Beasley nêu sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2009, các cuộc bạo loạn và gây rối đã bùng nổ ở 48 quốc gia trên thế giới, khi giá tiêu dùng và lạm phát tăng.

Ông Beasley nói “các điều kiện kinh tế hiện nay còn tệ hơn những gì chúng ta đã chứng kiến hồi 15 năm trước. Và nếu cuộc khủng hoảng này không được giải quyết, hậu quả sẽ là nạn đói, sự bất ổn ở nhiều quốc gia và những cuộc di cư ồ ạt. Trong năm nay chúng ta đã chứng kiến những cuộc bạo loạn ở Sri Lanka và các cuộc biểu tình phản đối ở Tunisia, Pakistan, Peru, và đã có sự bất ổn ở Burkina Faso, Mali, Chad. Đây là chỉ dấu của những điều sẽ xảy đến”.

Bộ Nông nghiệp Ukraine giải thích do bị Nga bao vây các cảng của Ukraine ở Biển Đen, nước này đang tồn hơn 20 triệu tấn lúa mạch xuất khẩu.

Lãnh đạo các nước châu Âu đã kêu gọi Nga nới lỏng bao vây Odessa (cảng chính của Ukraine) để cho phép xuất khẩu lúa mạch.

Ông Beasley kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin mở cửa cảng Odessa, và nói về lâu dài những người giàu nhất thế giới hãy hiến thêm tài sản để giải quyết nạn đói toàn cầu: “Đây là lúc đáng sợ. Chúng ta sẽ thấy địa ngục trên trái đất nếu chúng ta không phản ứng lập tức. Điều tốt nhất chúng ta có thể thực hiện lúc này là kết thúc cuộc chiến ở Ukraine và mở cảng Odessa”.

Trần Trí