Livestream bán hàng tại Trung Quốc bị kiểm duyệt gắt gao
Quốc tế - Ngày đăng : 14:39, 19/06/2022
Đứng trong vùng nước nông chỉ đến đầu gối, người dẫn chương trình nổi tiếng Trung Quốc Hoa Thiếu ướt đẫm mồ hôi, rám nắng, cười nói với người cùng dẫn với mình giới thiệu một loạt hải sản. Anh giới thiệu cho hơn 100.000 người đang theo dõi trực tuyến rằng: “Vị của tai biển này rất ngon, chắc chắn được lấy từ vùng biển sạch”.
Đây là buổi livestream bán hàng nhân dịp “618” (ngày 18.6) – một trong những sự kiện bán lẻ lớn nhất Trung Quốc. Dịp “618” góp phần thúc đẩy người dân mua sắm trong bối cảnh kinh tế nước này suy yếu vì chính sách chống dịch COVID-19 cực đoan. Giảm giá và ưu đãi ở khắp nơi, được quảng cáo mạnh mẽ bởi “đoàn quân” bán hàng trực tuyến đông đảo và nổi tiếng.
Livestream bán hàng cực kỳ phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc. Trên loạt nền tảng như Taobao hay Douyin, tài khoản của các ngôi sao livestream bán hàng khiến người tiêu dùng chi ra hàng tỉ USD. Tài ăn nói nhanh nhẹn và lôi cuốn biến họ thành người nổi tiếng. Một số kênh bán hàng được sản xuất rất khéo léo với nhãn hàng cùng sản phẩm, khách mời, chương trình đếm ngược làm người xem nảy sinh tâm lý cấp bách muốn chi tiền ngay.
Ngôi sao livestream thành công hàng đầu có thể sở hữu hàng chục triệu người xem trung thành, bán được hàng trăm triệu mặt hàng.
“Ông hoàng son môi” Lý Giai Kỳ nằm trong số này. Anh nổi tiếng với câu nói “Ôi trời hãy mua đi!”, lập kỷ lục Guinness thế giới về số lượng son môi sử dụng nhiều nhất trong 30 giây. Năm 2020 Lý tuyên bố bản thân thực hiện được 389 buổi livestream trong 365 ngày, thường làm việc từ giữa trưa đến 4 giờ sáng.
Công ty tư vấn McKinsey cho biết livestream chiếm 10% doanh thu thương mại điện tử Trung Quốc, trở thành nền tảng của loạt chiến dịch bán lẻ như Ngày độc thân và Ngày 11.11. Giá trị hàng hóa thương mại điện tử năm 2020 đạt 171 tỉ USD, dự đoán vượt qua 420 tỉ USD vào năm nay.
Hơn 1/3 hàng hóa là sản phẩm thời trang, tiếp theo là sản phẩm làm đẹp, thực phẩm tươi sống, sản phẩm công nghệ. Giới phân tích ước tính gần nửa tỷ người đã mua hàng trên một buổi livestream mua sắm vào năm 2021 – tăng 20% so với năm trước, có lẽ vì đại dịch khiến mọi người ở nhà nhiều hơn.
Tin tưởng là chìa khóa đem lại thành công cho các ngôi sao livestream bán hàng. Thông thường họ dùng sức ảnh hưởng của mình để thương lượng lấy ưu đãi giá rẻ cho người xem của mình. Mặc dù ký hợp đồng với bên bán hàng nhưng những tên tuổi lớn trong livestream vẫn được đánh giá đưa ra ý kiến đáng tin cậy về sản phẩm họ bán.
Sự phát triển bùng nổ của ngành livestream bán hàng đã khiến cơ quan chức năng Trung Quốc chú ý. Tháng 12 năm ngoái, “nữ hoàng livestream” Hoàng Vi (nổi tiếng với tên Vi Á) bị phạt hơn 210 triệu USD vì trốn thuế. Nhân vật này sau đó lên tiếng xin lỗi, tuyên bố bản thân cảm thấy vô cùng tội lỗi nên chấp nhận án phạt.
Một số người hâm mộ cho biết cuộc thảo luận của họ về Hoàng Vi đều bị chặn trên mạng xã hội. Vài người dám lên tiếng ủng hộ cô cùng sản phẩm cô bán.
“Tôi cũng rất tức giận khi Vi Á trốn thuế, nhưng sản phẩm cô ấy lựa chọn phù hợp với sở thích của tôi, đặc biệt là đồ gia dụng, nội thất, nhu yếu phẩm”, theo một người dùng Weibo.
Bê bối gần đây nhất còn ghê gớm hơn. Ngày 3.6, Lý Giai Kỳ bị cắt sóng lúc đang livestream vì sự xuất hiện của một chiếc bánh kem hình xe tăng – làm liên tưởng đến chủ đề nhạy cảm là sự kiện Thiên An Môn (4.6.1989).
Buổi livestream bị cắt rất đột ngột, sau đó Lý thông báo xảy ra lỗi kỹ thuật hậu trường nên không thể tiếp tục. Mọi bình luận nhắc đến anh trên mạng xã hội từ đó bị kiểm duyệt gắt gao.
Lý đến nay chưa livestream trở lại, tương lai của số nhãn hàng nhờ anh quảng bá rơi vào vô định. Một số công ty nay chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) livestream bán hàng.