Trung Quốc 'ủng hộ Nga' với ý đồ riêng
Quốc tế - Ngày đăng : 12:21, 20/06/2022
Việc Nga đánh Ukraine đã đặt ra một thách thức chiến lược đáng kể đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Stimson (trụ sở tại Washington, Mỹ) cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đơn phương tạo ra một hình ảnh Trung Quốc ủng hộ động thái của Nga, mặc dù Bắc Kinh không dự đoán trước cũng như tán thành cuộc chiến.
Trong khoảng thời gian từ ngày 24.2 đến ngày 19.5, Bắc Kinh đã tiến hành 64 cuộc họp ngoại giao với các đối tác nước ngoài, thảo luận về tình hình đang diễn ra ở Ukraine. Chiến dịch ngoại giao này có 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung vào các nước phương Tây, với mục đích định hình kết quả chính sách của phương Tây. Ngày 15.3, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc gặp với Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và tái khẳng định lập trường của một NATO thống nhất. Sau cuộc họp giữa Sullivan và Dương, chiến dịch ngoại giao của Trung Quốc đã chuyển mục tiêu sang các nước đang phát triển. Qua cả 2 giai đoạn, Bắc Kinh nhấn mạnh 3 thông điệp: chỉ trích NATO về cuộc xung đột tại Ukraine, kêu gọi đàm phán ngừng chiến, phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Thông điệp đầu tiên của Trung Quốc đổ lỗi cho sự mở rộng của NATO là nguyên nhân chính khiến Nga đưa quân đánh Ukraine. Trong hơn một nửa các cuộc họp ngoại giao của mình, Trung Quốc đã thúc giục phương Tây “hiểu các mối quan tâm an ninh chính đáng của Nga” và “xây dựng một hệ thống an ninh bền vững của châu Âu thông qua đàm phán”. Khi mô tả nguyên nhân của cuộc chiến trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình nói “không có lửa sao có khói”, điều này ngầm ám chỉ Mỹ và NATO đã phớt lờ những lo ngại của Nga.
Ngay cả trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Kuleba, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã tuyên bố rằng “an ninh của một quốc gia không nên đạt được bằng cách gây tổn hại cho quốc gia khác, an ninh khu vực không nên đạt được thông qua mở rộng khối quân sự”. Như trích dẫn này cho thấy ông Vương coi nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine đã làm tổn hại đến các mối quan tâm an ninh của Nga và là nguyên nhân của cuộc chiến tranh. Trong một cuộc gặp khác với Thủ tướng Pakistan Imran Khan, ông Vương tuyên bố “Ukraine nên là cầu nối giữa Đông và Tây hơn là một con tốt của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn”.
Thông điệp thứ 2 của Trung Quốc là phản đối các lệnh trừng phạt chống Nga sau khi xung đột nổ ra. Chiến dịch quân sự của Nga đã gây ra phản ứng thống nhất từ các nước phương Tây. Mỹ, Canada, Anh và nhiều quốc gia khác đã thực hiện những lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Nga và các nhà tài phiệt quan trọng thân cận với Tổng thống Putin. Liên minh châu Âu (EU) cũng tung ra một gói trừng phạt chống lại các nhà lãnh đạo Nga, các tổ chức tài chính và hàng hóa xuất khẩu sang Nga.
Vào ngày 26.2, phương Tây đã rút ra con át chủ bài xử phạt của mình. Mỹ, EU, Anh, Canada, Pháp, Đức và Ý đã công bố một hành động chung để loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT. Vào ngày 2.3, EU đã quyết định loại bỏ 7 tổ chức lớn của Nga khỏi SWIFT kể từ ngày 12.3.
Sau những lệnh trừng phạt của phương Tây, Trung Quốc bắt đầu truyền đi các thông điệp phản đối trong các cuộc họp ngoại giao. Trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Chủ tịch Tập Cần Bình nói rằng các lệnh trừng phạt sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong thời kỳ đại dịch và “không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai”. Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không chỉ lặp lại thông điệp của ông Tập mà còn chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây gây cản trở luật pháp quốc tế và làm gia tăng xung đột.
Ngay từ đầu cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, Trung Quốc đã giữ vững nguyên tắc chiến tranh phải kết thúc thông qua đàm phán. Như Trung tâm Stimson đã chỉ ra, tuyên bố này phản ánh mong muốn của Bắc Kinh là kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sử dụng luận điểm này để chỉ trích viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Trung Quốc coi viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine là “đổ thêm dầu vào lửa”, cản trở quá trình đàm phán.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông Tập nói rằng cộng đồng quốc tế nên “hết lòng thúc đẩy đàm phán”, đây là một chỉ trích tế nhị đối với các nước phương Tây khi vừa thúc đẩy đàm phán vừa cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU ngày 1.4, ông Tập đã thuyết giảng rằng cộng đồng quốc tế không nên “đổ thêm dầu vào lửa và làm gia tăng xung đột”. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Pháp, Ngoại trưởng Vương Nghị chỉ trích phương Tây “thổi bùng ngọn lửa” làm gia tăng xung đột thông qua viện trợ quân sự và tuyên bố thêm rằng các nước phương Tây "tăng cường chiến tranh bằng cách gửi vũ khí công nghệ cao đến Ukraine”.
Chiến dịch ngoại giao của Trung Quốc dường như đang thể hiện tình cảm thân Nga mãnh liệt đến mức một số người dùng mạng xã hội thậm chí còn đùa cợt, chẳng hạn hỏi "Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bây giờ có làm việc cho Tổng thống Nga Vladimir Putin không?". Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết rằng Bắc Kinh không cố tình lách các lệnh trừng phạt đối với Nga. Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cũng tuân thủ các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga và hạn chế mua hàng hóa của Nga.
Bắc Kinh cũng bác bỏ cáo buộc Trung Quốc đang cân nhắc viện trợ quân sự cho Nga. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Kuleba của Ukraine vào ngày 4.4, ông Vương nói rằng Trung Quốc “sẽ không can thiệp làm sự việc trầm trọng”. Trong khi chỉ trích viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, thông điệp này trấn an Ukraine rằng Bắc Kinh sẽ không viện trợ quân sự cho Moscow. Việc tuân thủ chứng tỏ rằng ban lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ ràng các mối đe dọa từ Mỹ và Liên minh châu Âu. Bắc Kinh không sẵn sàng hy sinh các đối tác thương mại quan trọng nhất của mình để hỗ trợ ông Putin.
Rõ ràng mục tiêu của Trung Quốc không phải là hỗ trợ nỗ lực của Nga. Thay vào đó, Bắc Kinh đang sử dụng xung đột Nga - Ukraine để giải quyết các mối quan tâm chiến lược và thách thức địa chính trị của chính họ. Thông điệp phản đối NATO nhằm ngầm lên án một liên minh quân sự khu vực do Mỹ đứng đầu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cảnh báo các nước châu Á không nên chia rẽ với Mỹ.
Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Pakistan - đồng minh khu vực truyền thống của Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị cảnh báo rằng Bắc Kinh “sẽ không cho phép các khối quân sự đối đầu ở châu Á và các nước nhỏ trở thành công cụ cạnh tranh quyền lực lớn”. Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines - một đồng minh hiệp ước của Mỹ, Chủ tịch Tập đã tuyên bố rằng “không thể đạt được an ninh khu vực thông qua liên minh quân sự”, khẳng định Trung Quốc sẽ tham gia cùng Philippines và các nước khác trong khu vực để kiểm soát an ninh khu vực. Tuyên bố của ông Tập phản ánh sự chỉ trích gay gắt của Trung Quốc đối với các cấu trúc an ninh do Mỹ lãnh đạo ở châu Á và thể hiện thái độ “châu Á vì người châu Á” mạnh mẽ.
Cũng trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, ông Vương Nghị đã công khai công kích Washington, nói rằng “Mỹ tạo ra xung đột khu vực và làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) bằng cách thúc đẩy mạnh mẽ Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Chúng tôi không thể cho phép sự trở lại của tâm lý Chiến tranh lạnh và sự lặp lại của thảm kịch Ukraine trong khu vực của chúng tôi”, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Zhuoran Li tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng luận điệu chống cấm vận của Trung Quốc có hai ý nghĩa. Thứ nhất, Trung Quốc lo ngại rằng hậu quả kinh tế của các lệnh trừng phạt hiện tại có thể ảnh hưởng đến Trung Quốc. Chính ông Vương gọi điện cho Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha José Manuel Albares và nói rằng “Trung Quốc không đứng về bên nào trong xung đột tại Ukraine, vì vậy Trung Quốc không muốn các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến mình”.
Thứ hai, Trung Quốc lo ngại các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể tạo tiền lệ cho các nước phương Tây áp đặt chế tài lên Bắc Kinh trong tương lai. Điều đó sẽ làm mất tác dụng “cải cách và mở cửa” trong 40 năm qua, tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế to lớn và làm lung lay nền tảng của đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, bằng cách gọi các biện pháp trừng phạt là bất hợp pháp và nỗ lực tạo ra một liên minh chống trừng phạt quốc tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang muốn gây áp lực lên phương Tây để họ không dám sử dụng những biện pháp trừng phạt tương tự đối với Bắc Kinh.
Trung Quốc sử dụng cụm từ “thêm dầu vào lửa” để chỉ trích việc Mỹ bán và hỗ trợ vũ khí cho Ukraine và Đài Loan. Bắc Kinh lo ngại sự tương đồng giữa Ukraine và Đài Loan có thể dẫn đến việc phương Tây hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Đài Bắc. Ngoài ra, hiệu quả của vũ khí phương Tây trong việc lật ngược cán cân quân sự có lợi cho Ukraine chắc chắn gây sốc cho Trung Quốc. Bắc Kinh lo phương Tây có thể hành động tương tự và viện trợ nhiều cho Đài Loan trong một cuộc chiến rất dễ xảy ra. Do đó, Bắc Kinh cảnh báo về kế hoạch quân sự hóa Đài Loan của Mỹ.
Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “tình hữu nghị Trung - Nga không có giới hạn”, nhưng thực tế cho thấy quan hệ đối tác Bắc Kinh - Moscow thực sự có khá nhiều hạn chế và giới hạn. Bắc Kinh sẽ không hy sinh lợi ích chiến lược của mình cho Moscow mà chỉ sẵn sàng hỗ trợ bằng “lời nói”. Hơn nữa, Trung Quốc sử dụng sự dạng “hỗ trợ tinh thần” này để thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng mình.