Chùa Nghệ sĩ đã được trả lại tên

Văn hóa - Ngày đăng : 16:42, 20/06/2022

Tấm biển hiệu có dòng chữ “Nghĩa trang Nghệ sĩ” trước chùa Nghệ sĩ đã được tháo xuống.

Sau hai ngày gây xôn xao dư luận, đúng vào lúc 15 giờ 10 ngày 20.6.2022 tấm biển hiệu có dòng chữ “Nghĩa trang Nghệ sĩ” trước chùa Nghệ sĩ đã tháo xuống mang đi để nhường chỗ cho dòng chữ “Chùa Nghệ sĩ” do chính tấm bảng này che khuất trước đó.

289433854_1176250279609087_5005262793985433751_n.jpg
Tấm biển có dòng chữ "Nghĩa trang Nghệ sĩ" đã được tháo xuống lúc 15 giờ 10 ngày 20.6 - Ảnh: Tiểu Vũ 

Theo thông tin chúng tôi có được, sau khi báo chí phản ảnh về vụ việc, trưa nay (20.6), ông Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cùng bà Trịnh Kim Chi - Phó chủ tịch hội đã đến chùa Nghệ sĩ để kiểm tra và làm việc với các bên có liên quan. Tại đây ông Giàu cho biết việc đổi tên chùa do Ban Ái hữu nghệ sĩ (trực thuộc Hội Sân khấu TP.HCM) thực hiện, vì vậy trong những ngày tới hội sẽ tổ chức họp và có thông tin chi tiết đến với báo chí về vụ việc. 

288961037_1198219041010948_1906142138127730110_n.jpg
Cổng chùa Nghệ sĩ không còn tấm bảng "Nghĩa trang Nghệ sĩ" (chụp lúc 15 giờ 30 ngày 20.6.2022) - Ảnh: T.V 

Như Một Thế Giới đã đưa tin, Chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang Tự, hoặc Phật Quang Tự) tọa lạc tại 116/6 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM. Chùa là địa chỉ quen thuộc với người dân thành phố vì nơi đây có mộ và tro cốt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng được an táng. 

Từ trước đến naym tấm bảng hiệu "Chùa Nghệ sĩ" luôn hiện diện trước cổng chùa tạo nên một địa điểm văn hóa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân Sài Gòn. Tuy nhiên, bất ngờ đến chiều 18.6.2022, dòng chữ "Chùa Nghệ sĩ" đã bị một tấm bảng lớn có dòng chữ “Nghĩa trang Nghệ sĩ” che lấp. Sự việc diễn ra khiến cho những người dân đi ngang qua đây và đến lễ chùa thăm viếng mộ phần của các nghệ sĩ hoang mang lo sợ chùa sẽ bị xóa sổ.

Việc đổi tên chùa cũng tạo nên nhiều phản ứng trong dư luận và giới nghệ sĩ. Trên các diễn đàn mạng, nhiều ý kiến tỏ ra bất bình về việc chùa bị đổi tên một cách tùy tiện.

"Điều cốt yếu, đó là những địa chỉ đã gắn liền với thời gian, không gian văn hóa - sân khấu cải lương Sài Gòn, nó được ký thác và lưu giữ trên từng vật thể văn hóa đậm chất bản địa. Nó không chỉ thuộc về là tài sản của cá nhân ai, mà từ những cá thể ngoại hạng ấy, cái họ để lại để hôm nay (và mai sau) còn là di sản của một loại hình sân khấu, một ký ức tập thể của văn hóa Sài Gòn - TP.HCM. Nó làm dày lên thêm, dày hơn bản địa văn hóa vùng đất này, là nhịp cầu để bắc tới tương lai, cho hậu sinh nhận ra khuôn mặt mình từ đâu đến", một người dân Sài Gòn nói. 

Tại thời điểm này, câu hỏi đặt ra cho ông Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM là “Vì sao phải đổi tên “chùa Nghệ sĩ” thành “Nghĩa trang Nghệ sĩ”, ông Giàu trả lời: “Đây là vấn đề phức tạp vì liên quan đến nhiều bên cũng như về mặt pháp lý. Chúng tôi cần trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng trước khi đưa ra phát ngôn chính thức đến mọi người”.

282339836_1415826238929058_1445862517169517535_n.jpg
Cổng chùa Nghệ sĩ với tấm biển hiệu "Nghĩa trang Nghệ sĩ" được treo lên vào chiều 18.6 - Ảnh: T.V 

Liên quan đến việc đổi tên chùa Nghệ sĩ, đại diện chính quyển quận Gò Vấp cho biết “đây không phải là chủ trương của chính quyền, hiện quận chưa có chủ trương gì liên quan đến chùa Nghệ sĩ, vì đây là địa điểm có tính truyền thống của nghệ sĩ. Hội Sân khấu TP.HCM cần phải liên hệ với các sở ngành, cơ quan có thẩm quyền của thành phố và chính quyền địa phương để có thông tin, đề xuất và thống nhất các vấn đề liên quan đến chùa Nghệ sĩ nếu muốn có những thay đổi ở đây”.

Tiểu Vũ