Tầm nhìn của Mark Zuckerberg và nguy cơ Meta sụp đổ nếu không chuyển mình thành công
Thế giới số - Ngày đăng : 23:10, 20/06/2022
Một phần của cuộc đặt cược trị giá hàng tỉ USD đó sẽ yêu cầu Meta Plaforms cung cấp tai nghe VR (thực tế ảo) và AR (thực tế tăng cường) mạnh mẽ đến mức chúng có thể đánh lừa người dùng nghĩ rằng hình ảnh do máy tính tạo ra là thật.
Trong cuộc họp bàn tròn ảo với các phóng viên vào tuần trước, Mark Zuckerberg thừa nhận rằng sẽ mất nhiều năm để những chiếc tai nghe nhỏ gọn có thể hiển thị hình ảnh chân thực. Tuy nhiên, Meta Plaforms vẫn đang đạt được mục tiêu đó, ông nói.
Mark Zuckerberg giải thích: “Chúng tôi có lộ trình dài hạn để giải quyết cơ bản tất cả những thách thức khác nhau này, điều mà chúng tôi nghĩ là rất quan trọng để mang lại cảm giác hiện diện thực sự phong phú này. Chúng tôi đã giải quyết được một số thách thức và với những cái khác, vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong việc chế tạo những thiết bị này”.
Những thách thức đó bao gồm việc đảm bảo rằng hình ảnh trong tai nghe của Meta Plaforms trông rõ ràng và đúng tiêu điểm, với màu sắc trung thực. Nếu Meta Plaforms có thể làm được tất cả những điều đó thì quyết định chuyển mình thành công ty metaverse đầu tiên sẽ thực sự thành công? Song nếu không thể, công ty trước đây được gọi là Facebook có thể sụp đổ.
Meta Plaforms đang đổ tiền vào các nỗ lực tổng hợp của mình, chi 10 tỉ USD vào năm 2021 chỉ riêng cho dự án metaverse, tăng từ 6,6 tỉ USD vào năm 2020 và 4,5 tỉ USD vào năm 2019. Hơn nữa, Mark Zuckerberg dự kiến sẽ tiếp tục rót tiền vào công việc kinh doanh trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Công việc kinh doanh chính xác là gì? Metaverse được định nghĩa một cách lỏng lẻo là một loạt các thế giới trực tuyến được kết nối với nhau. Một ngày nào đó, bạn sẽ có thể tương tác qua tai nghe AR và VR cũng như màn hình thông minh, cửa sổ thông minh - thực sự là bất kỳ loại màn hình nào. Thế nhưng, Meta Plaforms đang bắt đầu chỉ với tai nghe AR/VR vào thời điểm hiện tại.
Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta Plaforms, cho biết có thể sẽ mất 10-15 năm trước khi các khoản đầu tư của công ty thành công hoàn toàn và công nghệ đằng sau cả metaverse lẫn tai nghephát huy hết tiềm năng. Để đạt được điều đó, Meta Plaforms cần tạo ra phần cứng mới vượt xa khả năng của tai nghe hiện tại.
Trong cuộc họp bàn tròn tuần trước, Mark Zuckerberg đã giới thiệu những nguyên mẫu mà công ty đã phát triển và tiếp tục phát triển. Ông nói Meta Plaforms đang làm việc để cải thiện độ phân giải, tiêu điểm và độ sáng của hình ảnh. Công ty mẹ của Facebook cũng đang làm việc để giảm thiểu sự biến dạng.
“Hệ thống thị giác của con người rất phức tạp. Vì vậy, bạn biết đấy, chỉ nhìn thấy một hình ảnh thực tế là không đủ để khiến bạn cảm thấy như đang thực sự ở đó. Để có được cảm giác đắm chìm đó, bạn cần có tất cả dấu hiệu hình ảnh khác. Vì vậy, đây là một vấn đề phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ hiển thị một hình ảnh trông thực tế trên màn hình máy tính hoặc tivi”, Mark Zuckerberg lý giải.
Tai nghe hiện đại đơn giản là không cung cấp loại hình ảnh trung thực có thể sánh ngang với một cái gì đó như tivi 4K trung bình của bạn. Đó là vì khi càng đến gần màn hình, bạn càng dễ dàng nhìn thấy các pixel của nó.
Khi nói đến hầu hết các tai nghe hiện đại, cái gọi là hiệu ứng cửa màn hình, nơi bạn nhìn thấy các đường giữa các pixel có thể làm cho nó trông như thể bạn đang nhìn thấy một hình ảnh qua cửa màn hình. Do đó, nội dung trên màn hình bị mất chi tiết và văn bản nhỏ trở nên khó đọc.
Tuy nhiên, Meta Plaforms đã tạo ra một nguyên mẫu mang tên Butterscotch mà Mark Zuckerberg cho biết có thể đạt độ phân giải đủ cao để bạn đọc được dòng cuối cùng trên biểu đồ mắt ảo. Meta Quest 2, chiếc tai nghe hiện tại của hãng, không đạt đến độ rõ ràng như vậy. Thế nhưng, Butterscotch vẫn là một chiếc tai nghe lớn, khó sử dụng và chưa sẵn sàng cho thị trường tiêu dùng.
Ngoài Butterscotch, Mark Zuckerberg cho biết các nguyên mẫu chi tiết bao gồm dòng tai nghe Half Dome giúp cải thiện trọng tâm tổng thể của nội dung bạn thấy trong VR và AR, cùng một nguyên mẫu có tên Starburst mà ông nói cải thiện chất lượng màu sắc bằng cách tăng độ sáng màn hình tổng thể.
Trong khi nguyên mẫu Half Dome mới nhất phù hợp với một gói tai nghe kích thước bình thường, Starburst là con quái vật khổng lồ yêu cầu người dùng giữ tai nghe ngang mặt bằng hai tay cầm và hai quạt lớn để làm mát.
Dù rõ ràng đang đầu tư lớn vào các nguyên mẫu, Meta Plaforms không phải là công ty duy nhất tự định vị mình cho vị thế tối cao của metaverse. Apple được cho đang chế tạo tai nghe VR/AR của riêng mình, có thể ra mắt vào cuối năm nay hoặc đầu 2023. Trong khi đó, Microsoft có tai nghe thực tế hỗn hợp Hololens của riêng mình.
Vẫn chưa rõ mức độ tiếp nhận tai nghe VR/AR của người tiêu dùng trong tương lai ra sao và liệu metaverse có diễn ra chính xác như Meta Plaforms hy vọng không. Một số chuyên gia đã nói rằng sự cường điệu ban đầu xung quanh khái niệm này và thiếu các sản phẩm thay đổi cuộc chơi đã khiến người tiêu dùng mất hứng thú.
Tuy nhiên, Mark Zuckerberg dường như kiên định với tầm nhìn của mình. Bây giờ chúng ta sẽ chờ xem liệu Meta Plaforms có thành công không.
‘Tầm nhìn của Mark Zuckerberg về vũ trụ ảo là ý tưởng cũ, không hiệu quả’
Đó là nhận xét của ông Phil Libin, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành mmhmm.
Ông Phil Libin sinh tại Liên Xô năm 1972 và chuyển đến Mỹ khi mới 8 tuổi. Ông từng là Giám đốc điều hành của công ty phần mềm Evernote có trụ sở tại Thung lũng Silicon từ năm 2007 đến 2015
mmhmm là một công ty truyền thông video được thành lập bởi All Turtles, studio sản phẩm có sứ mệnh hoạt động để giải quyết các vấn đề có ý nghĩa trên toàn thế giới.
Khi đeo headset Oculus VR để dùng thử Horizon Workroom - sản phẩm metaverse đầu tiên của Meta Plaforms, Phil Libin hy vọng nó sẽ không quá tệ.
"Tôi đã có một cảm giác rằng Horizon Workroom sẽ rất tệ, nhưng tôi đã lao vào nó với hy vọng tràn trề rằng có thể sẽ ngạc nhiên một cách thú vị", Phil Libin nói trong một cuộc phỏng vấn với trang Insider.
Phil Libin và các nhân viên của mình tại mmhmm dùng thử Horizon Workroom của Meta. Horizon Workroom cho phép mọi người sử dụng headset VR ở các cuộc họp công việc ảo trong metaverse.
Phil Libin nói rằng cảm giác của mình hóa ra là đúng. “Tôi chỉ có thể chịu đựng được trong vài phút”, ông nói.
Phil Libin tin rằng việc sử dụng VR cho các cuộc họp ít hấp dẫn hơn các công nghệ quen thuộc như Zoom, nơi mọi người vẫn có thể làm những việc trong thế giới thực như uống một tách cà phê.
"Không thể làm điều đó với một đồ nhựa khổng lồ trên mặt mà không làm đổ cà phê nóng lên khắp người", Phil Libin chia sẻ.
Từ metaverse được mượn từ khoa học viễn tưởng và dùng để chỉ một phiên bản tương lai của internet được truy cập thông qua các công nghệ nhập vai như tai nghe thực tế ảo và thực tế tăng cường.
Metaverse đặc biệt được thúc đẩy bởi Mark Zuckerberg, người đã đổi tên Facebook thành Meta vào tháng 10.2021.
Phil Libin trước đây chỉ trích sự cường điệu xung quanh metaverse. Đến nay, ông vẫn không bị metaverse thuyết phục.
Phil Libin nói tầm nhìn về metaverse được trình bày bởi Meta Plaforms - một trong thế giới 3D được kết nối với nhau mà chúng tôi trải nghiệm trong nhiều giờ mỗi ngày, cả để giải trí và làm việc chủ yếu thông qua VR - là ý tưởng cũ.
"Nó không có gì sáng tạo, đã được thử rất nhiều lần trong 4 thập kỷ qua và không bao giờ hiệu quả", ông cho hay.
Phil Libin nói những người ủng hộ metaverse tin rằng chúng ta sẽ phải đợi để thấy hết tiềm năng của nó, nhưng không nghĩ đó là cách công nghệ tuyệt vời hoạt động.