Tại sao sóng nhiệt xảy ra thế giới ngày càng dữ dội?

Quốc tế - Ngày đăng : 13:02, 21/06/2022

Các chuyên gia cho rằng không thể tránh khỏi những tác động tồi tệ nhất của tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu nếu lượng khí thải tiếp tục tăng.

Một đợt nắng nóng đã tấn công Ấn Độ và Pakistan vào tháng 3, với nhiệt độ tăng cao nhất kể từ khi lần kỷ lục được ghi nhận cách đây 122 năm. Thời tiết gay gắt vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp thế giới, gây ra thảm họa cho hàng triệu người. Mùa xuân giống như giữa mùa hè ở Mỹ, với nhiệt độ tăng vọt trên khắp cả nước vào tháng 5. Tây Ban Nha đã chứng kiến nhiệt độ chạm ngưỡng 40 độ C vào đầu tháng 6 khi một nắng nóng quét qua châu Âu vào tuần trước. 

Các nhà khoa học đã nhanh chóng chứng minh rằng nhiệt độ tăng cao kỷ lục không phải là điều tự nhiên xảy ra. Một nghiên cứu được công bố vào tháng trước cho thấy đợt nắng nóng ở Nam Á có khả năng xảy ra cao hơn 30 lần do ảnh hưởng của biến đối khí hậu. 

Vikki Thompson, nhà khoa học khí hậu tại Viện Cabot của Đại học Bristol (Anh), giải thích: "Biến đổi khí hậu đang làm cho các đợt nắng nóng diễn ra nhiều hơn và kéo dài hơn trên khắp thế giới. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nhiều đợt nắng nóng đặc biệt dữ dội hơn do biến đổi khí hậu do con người gây ra".

Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Grantham, Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết chỉ riêng các đợt nắng nóng ở châu Âu đã tăng tần suất lên tới 100 lần hoặc hơn, do sự phát thải khí nhà kính. "Biến đổi khí hậu là một nhân tố gây nên các đợt nắng nóng. Chúng đã tăng lên về tần suất, cường độ và thời gian trên khắp thế giới", Otto nói. 

Nắng nóng đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người và gián tiếp gây hại cho mùa màng, gây cháy rừng và thậm chí gây hại cho đường xá và các tòa nhà. Những người nghèo khổ là những người phải chịu tổn thương nhiều nhất khi họ phải làm việc ngoài đồng, hoặc trong các nhà máy dưới cái nóng khắc nghiệt. Họ cũng không có đủ tài chính để mua máy điều hoà cho gia đình. 

Bên cạnh đó, việc sử dụng máy điều hòa ngày càng tăng và tiêu thụ năng lượng lớn có nguy cơ làm tăng tốc độ phát thải khí nhà kính.  

Có nhiều cách để giảm tác động như sơn trắng mái nhà ở xứ nóng để phản chiếu tia nắng mặt trời, trồng cây thường xuyên trên tường ở vùng ôn đới, trồng cây lấy bóng mát, xây dựng đài phun nước ở thành phố đều có thể mang lại nhiều lợi ích. Các biện pháp thích ứng khác bao gồm thay đổi vật liệu mà con người sử dụng cho các tòa nhà, mạng lưới giao thông và cơ sở hạ tầng quan trọng khác, để ngăn cửa sổ rơi ra khỏi khung, đường khỏi nóng chảy và đường ray không bị cong vênh.

Nhưng những biện pháp này chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ có cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới ngăn chặn được sự biến đổi khí hậu. Các đợt nắng nóng hiện tại đang diễn ra khi trái đất ấm lên khoảng 1,2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc Cop26 vào tháng 11.2021, các quốc gia đã nhất trí cố gắng không để nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C. Nếu không có những biện pháp ngăn chặn, ước tính khoảng 1 tỷ người sẽ phải chịu cái nóng khắc nghiệt. Katharine Hayhoe, nhà khoa học chính của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên, nói với tờ Observer rằng: "Nếu chúng ta tiếp tục phát thải khí nhà kính như hiện nay thì sẽ không có biện pháp nào có thể đủ để ứng phó với biến đổi khí hậu". 

Ấn Độ 

Vào mỗi mùa hè, khi cái nóng ở vùng đồng bằng trở nên gay gắt, kỹ sư phần mềm Akhilesh Gupta lại đưa cả gia đình rời khỏi New Delhi (Ấn Độ) để đến những ngọn núi để tận hưởng không khí mát mẻ. 

Năm nay, gia đình anh Gupta lại lên kế hoạch như mọi năm. Kể từ giữa tháng 3, thủ đô New Delhi đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng khắc nghiệt với nhiệt độ dao động khoảng 45 độ C, khiến việc sinh hoạt và làm việc của người dân trở nên khó khăn.

Trong những năm trước, nhiệt độ cao như vậy chỉ thỉnh thoảng diễn ra vào mùa hè nhưng năm nay, chúng diễn ra thường xuyên hơn. Nhu cầu sử dụng điện tăng cao khi người Ấn Độ sử dụng nhiều máy điều hòa nhiệt độ. Tình trạng thiếu nước đã xảy ra ở một số khu vực. Những người làm việc ngoài trời là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

anh-chup-man-hinh-2022-06-21-luc-10.34.08.png
Người dân đi lấy nước tại  khu ổ chuột ở New Delhi (Ấn Độ) - Ảnh: Kabir Jhangiani / Pacific Press / Rex / Shutterstock

Gia đình anh Guptas đến thành phố Nainital,  nơi cao hơn 2.000m so với mực nước biển, song tại đây nhiệt độ cũng đã chạm mức 34 độ C, một mức nhiệt chưa từng có.

"Tôi đã đến đây vào mỗi mùa hè kể từ khi tôi còn là một đứa trẻ và chưa bao giờ cần đến một chiếc quạt trần. Nhiệt độ tại đây chưa bao giờ vượt quá 28 độ C. Chúng tôi không thể chèo thuyền vì quá nóng. Mặc dù ở đây đỡ nóng hơn New Delhi nhưng đó vẫn là một cú sốc lớn đối với chúng tôi", Gupta nói.

Những người bạn của Gupta đã đi bộ xuyên rừng để đến những nơi có độ cao hơn và nhận thấy rằng những ngọn núi thường phủ đầy tuyết giờ chỉ còn phủ một lớp bụi.

Nắng nóng đã ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực của Ấn Độ kể từ tháng 3. Dữ liệu từ Cục Khí tượng cho thấy New Delhi đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất ở ngưỡng 42 độ C trong 25 ngày kể từ khi mùa hè bắt đầu - số ngày nắng nóng kéo dài cao nhất kể từ năm 2012. 

Nông dân ở miền bắc Ấn Độ đã chứng kiến ​​cảnh lúa mì bị cháy nắng. Ước tính có khoảng 15 - 35% diện tích lúa mì ở các bang gần New Delhi gồm Punjab, Haryana và Uttar Pradesh đã bị thiệt hại nặng nề. 

Abinash Mohanty, người đứng đầu chương trình tại Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước cho rằng không nên giới hạn sóng nhiệt trong những ngày nhiệt độ vượt qua một con số chính thức nhất định bởi vì đối với hầu hết những người Ấn Độ nghèo sống trong những ngôi nhà lợp bằng thiếc tại các khu ổ chuột, nhiệt độ luôn nóng hơn bên ngoài từ 5 đến 6 độ.

"Người dân ở New Delhi sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu trong những năm tới. Sức khỏe và năng suất làm việc của họ sẽ bị ảnh hưởng", Mohanty nói.

Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế năm 2019đã dự đoán rằng Ấn Độ dự kiến ​​"sẽ mất đi khoảng 34 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2030 do nắng nóng khắc nghiệt".

Tây Ban Nha 

Tại Tây Ban Nha, cháy rừng thiêu rụi gần 9.000 ha đất ở vùng Sierra de la Culebra, miền Tây Bắc ngày 17.6, khiến khoảng 200 người phải rời nhà cửa.

Ngoài ra, hơn 3.000 người phải sơ tán khỏi công viên Puy du Fou ở miền Trung Tây Ban Nha do đám cháy lớn gần đó.

anh-chup-man-hinh-2022-06-21-luc-10.34.14.png
Cháy rừng ở Catalonia ( Tây Ban Nha) -  Ảnh: Pau Barrena / AFP / Getty Images

Các nhân viên cứu hỏa đã ra sức dập lửa ở một số khu vực khác, bao gồm rừng cây ở Catalonia, nơi cái nóng đã khiến tình hình cháy rừng thêm nghiêm trọng.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ca ngợi những người lính cứu hỏa là "những người đã liều mạng ở tuyến đầu của đám cháy" vào ngày 17.6, cũng là Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán. Nhiệt độ đã trên 35 độ C vào ngày 17.6 ở hầu hết vùng trên cả nước. 

Mỹ 

Hơn 100 triệu người Mỹ đã được khuyến cáo ở trong nhà trong tuần qua, vì nhiệt độ cao kỷ lục khiến nhiều người và hàng nghìn gia súc chết.

Khi nhiệt độ tăng lên mức cao bất thường, hàng chục nghìn người trên khắp các bang Ohio, Michigan và Indiana ở miền trung tây của Mỹ đã phải sống trong tình trạng mất điện sau các trận bão và lũ lụt làm hư hỏng đường dây tải điện.

Hai phụ nữ được xác nhận đã chết ở Wisconsin, trong khi ở Arizona, văn phòng điều tra viên quận Maricopa đang điều tra 48 trường hợp tử vong có thể do nắng nóng tính từ tháng 4. Số người chết thực sự có thể cao hơn nhưng không được báo cáo.

anh-chup-man-hinh-2022-06-21-luc-10.34.24.png
Người dân tại  Houston, Texas (Mỹ) đang ngồi dưới những bóng cây để tránh nóng - Ảnh: Brandon Bell / Getty Images

Ở Kansas, một bang có số lượng bò nhiều gấp đôi người, 2.000 con bò được báo cáo đã chết do nắng nóng kết hợp với độ ẩm cao.

Tại Phoenix, thành phố lớn thứ năm của Mỹ với 1,6 triệu người sinh sống, nhiệt độ mỗi ngày đã lên đến 38 độ C vào tháng 6. 

Sareptha Jackson (60 tuổi) và Jerry Stewart (69 tuổi) đã phải trải qua một tuần ngột ngạt trong căn hộ thuê khi máy điều hoà đã bị hỏng từ lâu. Ngay cả khi quạt chạy liên tục, nhiệt độ bên trong căn hộ của họ vẫn dao động khoảng 32 ° C.

Tử vong do nắng nóng có thể ngăn ngừa được nhưng hiện nay tình trạng này đang ngày càng gia tăng. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường, tần suất, thời gian và cường độ của các đợt nắng nóng đã tăng đều đặn trong 50 năm qua.

Đan Thuỳ