Xây dựng thành phố nổi có sức chứa 20.000 người ở Maldives

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:45, 21/06/2022

Trong một đầm phá màu xanh ngọc cách thủ đô Male của Maldives 10 phút đi thuyền, một thành phố nổi với sức chứa 20.000 người đang được xây dựng.
thanh-pho-noi1.jpg
Thiết kế của thành phố nổi ở Maldives - Ảnh: Waterstudio

Được thiết kế theo mô hình tương tự như san hô não, thành phố sẽ bao gồm 5.000 đơn vị nổi như nhà ở, nhà hàng, cửa hiệu và trường học với các kênh đào xen giữa. Những căn hộ đầu tiên sẽ được công bố trong tháng này. Cư dân sẽ bắt đầu chuyển đến vào đầu năm 2024 và toàn bộ thành phố sẽ hoàn thiện vào năm 2027.

Đây là dự án giữa nhà phát triển bất động sản Dutch Docklands của Hà Lan và chính phủ Maldives. Dự án này không phải là một thử nghiệm hay tầm nhìn cho tương lai, mà được xây dựng như một giải pháp thiết thực để đối phó với mực nước biển gia tăng.

Là một quần đảo gồm 1.190 hòn đảo thấp, Maldives là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu. 80% diện tích đất liền của Maldives cao hơn mực nước biển chưa đến 1 mét. Với mực nước biển được dự báo sẽ tăng lên đến 1 mét vào cuối thế kỷ này, gần như toàn bộ đất nước có thể bị nhấn chìm. Nhưng nếu đó là một thành phố nổi thì nó sẽ không phải đối mặt với vấn đề này.

Koen Olthuis, nhà sáng lập Waterstudio - công ty kiến ​​trúc đã thiết kế thành phố, cho biết đây là “niềm hy vọng mới” cho hơn nửa triệu người dân Maldives. Ông nói với CNN: “Nó có thể chứng minh rằng nhà ở với giá cả phải chăng, cộng đồng lớn với các thị trấn bình thường trên mặt nước cũng rất an toàn”.

Thành phố nổi Maldives với các tòa nhà đầy màu sắc được liên kết với nhau bằng mạng lưới kênh rạch

Sinh ra và lớn lên ở Hà Lan - nơi có khoảng 1/3 diện tích đất nằm dưới mực nước biển - Olthuis đã gắn bó với sông nước cả đời. Năm 2003, Olthuis thành lập Waterstudio, một công ty kiến ​​trúc chuyên xây dựng công trình trên mặt nước. Vào thời điểm đó, các dấu hiệu của biến đổi khí hậu đã xuất hiện nhưng nó không được coi là một tình trạng nghiêm trọng. Vấn đề lớn nhất lúc đó là không gian, khi các thành phố ngày càng mở rộng nhưng quỹ đất thích hợp để phát triển đô thị mới đang cạn kiệt.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã trở thành “chất xúc tác” thúc đẩy kiến ​​trúc nổi theo hướng xu hướng chủ đạo. Trong hai thập kỷ qua, Waterstudio đã thiết kế hơn 300 ngôi nhà nổi, văn phòng, trường học và trung tâm chăm sóc sức khỏe trên khắp thế giới.

Hà Lan đã trở thành trung tâm của xu hướng này với các công viên, trang trại bò sữa và một tòa nhà văn phòng nổi đóng vai trò là trụ sở của Trung tâm Toàn cầu về Thích ứng (GCA), một tổ chức tập trung vào các giải pháp thích ứng với khí hậu. Patrick Verkooijen, Giám đốc điều hành của GCA coi kiến ​​trúc nổi là một giải pháp thông minh về mặt kinh tế và thực tế đối với vấn đề mực nước biển dâng cao.

thanh-pho-noi3.jpg
Trụ sở chính của Trung tâm Toàn cầu về Thích ứng tại sông Nieuwe Maas ở Rotterdam

Năm ngoái, lũ lụt gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 82 tỷ USD, theo cơ quan bảo hiểm Swiss Re. Khi biến đổi khí hậu gây ra thời tiết khắc nghiệt hơn, thiệt hại dự kiến ​​sẽ tăng lên. Một báo cáo từ Viện Tài nguyên Thế giới dự đoán rằng vào năm 2030, tài sản đô thị trị giá hơn 700 tỷ USD sẽ bị ảnh hưởng hàng năm bởi lũ lụt ven biển và ven sông.

Nhưng bất chấp đà phát triển trong những năm gần đây, kiến ​​trúc nổi vẫn còn một chặng đường dài trong quá trình phát triển, cả về quy mô lẫn khả năng chi trả. Verkooijen nói: “Đó là bước tiếp theo trong hành trình này: làm thế nào chúng ta có thể mở rộng quy mô đồng thời tăng tốc việc phát triển này”.

Dự án của Maldives nhằm đạt được cả hai mục tiêu này, đó là xây dựng một thành phố nổi cho 20.000 dân trong vòng chưa đầy 5 năm. Các dự án thành phố nổi khác như Oceanix City ở Busan, Hàn Quốc, và quần đảo nổi trên biển Baltic của công ty Hà Lan Blue21 được giới thiệu trước đó đều không thể sánh ngang về quy mô và khung thời gian.

Thành phố của Waterstudio được thiết kế để thu hút người dân địa phương với những ngôi nhà màu cầu vồng, ban công rộng và tầm nhìn ra biển. Cư dân sẽ đi lại bằng thuyền, đi bộ, đạp xe hoặc lái xe máy điện dọc theo những con đường.

thanh-pho-noi4.jpg
Thủ đô của Maldives quá đông đúc, không có chỗ để mở rộng ra biển - Ảnh: Waterstudio

Dự án mang đến không gian khó có nơi nào ở Male có được. Thủ đô Maldives là một trong những thành phố có mật độ dân số cao nhất trên thế giới với hơn 200.000 người trong một diện tích khoảng 8 km2. Ngoài ra, giá cả của các căn hộ cũng được cho là sẽ cạnh tranh với giá ở Hulhumalé, một hòn đảo nhân tạo được xây dựng gần đó để giảm bớt tình trạng quá tải. Dự kiến mức giá sẽ bắt đầu từ 150.000 USD cho một căn studio hoặc 250.000 USD cho căn hộ dành cho gia đình.

Các đơn vị module được chế tạo tại một xưởng đóng tàu địa phương, sau đó kéo đến thành phố nổi. Khi đã vào vị trí, chúng được gắn vào trụ bằng bê tông lớn dưới nước, đóng chặt vào đáy biển trên các cột thép để nó dao động nhẹ nhàng theo sóng. Các rạn san hô bao quanh thành phố giúp cung cấp hàng rào chắn sóng tự nhiên, ổn định thành phố và giúp cư dân không cảm thấy say sóng.

Olthuis nói rằng tác động môi trường tiềm ẩn của cấu trúc đã được đánh giá nghiêm ngặt bởi các chuyên gia san hô địa phương và được chính quyền phê duyệt trước khi bắt đầu xây dựng. Để hỗ trợ sinh vật biển, các bờ san hô nhân tạo làm từ bọt thủy tinh được kết nối với mặt dưới của thành phố, giúp kích thích san hô phát triển tự nhiên.

thanh-pho-noi2.jpg
Dự án mang đến không gian khó có nơi nào ở Male có được

Mục đích là để thành phố tự cung tự cấp và có tất cả các chức năng như trên đất liền. Thành phố sẽ có điện được cung cấp chủ yếu bằng năng lượng mặt trời, nước thải sẽ được xử lý cục bộ và tái sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Để thay thế cho điều hòa không khí, thành phố sẽ sử dụng phương pháp làm mát bằng nước biển sâu, bao gồm việc bơm nước lạnh từ biển vào đầm phá, giúp tiết kiệm năng lượng.

Bằng cách phát triển một thành phố nổi hoạt động hoàn chỉnh ở Maldives, Olthuis hy vọng kiểu kiến ​​trúc này sẽ được đẩy lên một tầm cao mới. Ông nói nó sẽ không còn là “kiến trúc độc đáo” ở những địa điểm sang trọng của giới siêu giàu, mà là câu trả lời cho tình trạng biến đổi khí hậu và đô thị hóa, vừa thực tế vừa hợp túi tiền.

Long Hải