Cú hích lớn cho ĐBSCL

Sự kiện - Ngày đăng : 14:03, 21/06/2022

Trong 4 năm tới, ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư cho ĐBSCL khoảng 422.000 tỉ đồng, 6 nhóm ngân hàng phát triển thống nhất tài trợ 2,2 tỉ USD đầu tư 20 dự án liên kết vùng, cũng trong khoảng thời gian này.

Thông tin được phát đi từ Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, diễn ra vào sáng 21.6, tại TP.Cần Thơ, với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương ĐBSCL.

Việc đầu tư cho ĐBSCL sẽ được tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị, hiệu quả cao; phát triển khu vực đô thị - công nghiệp động lực, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông liên vùng, liên tỉnh, hệ thống logistics…; xây dựng môi trường sống tốt, điểm đến hấp dẫn thông qua xây dựng và triển khai chương trình phát triển các điểm nguồn nước ngọt dự trữ chiến lược trên toàn vùng, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ…; quản lý, điều phối thực hiện quy hoạch vùng thông qua Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều phối, đôn đốc các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện thống nhất các nhiệm vụ, chương trình, dự án đề án theo quy hoạch.

quang-canh-hoi-nghi.jpg
Quang cảnh hội nghị công bố quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030 - Ảnh: Nguyên Việt

Về nguồn lực đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh, để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL, từ năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 973, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 26 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Bộ KH-ĐT, giai đoạn này, tổng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 320.000 tỉ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương khoảng 178.000 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 82.000 tỉ đồng, tăng 41,2% so với giao đoạn 2016-2020, nguồn vốn nước ngoài (ODA) là khoảng 60.000 tỉ đồng (bao gồm 46.000 tỉ đồng của Chương trình hỗ trợ chính sách phát triển- DPO) chiếm 30% tổng vốn ODA cả nước trong giai đoạn 2021-2025, trong khi con số tương ứng của giai đoạn 2016 - 2020 là 7,66%.

Ngân sách sẽ được đầu tư qua một số Bộ như: GTVT, NN&PTNT, Y tế…, để triển khai các công trình, dự án trong vùng đạt khoảng 122.000 tỉ đồng. Tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 của vùng khoảng 422.000 tỉ đồng.

Với số vốn được bố trí như trên, các công trình trọng điểm của vùng ĐBSCL, bao gồm các tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau cũng như các tuyến đường quốc lộ, cảng hàng không, công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn… sẽ sớm hoàn thành.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã chủ trì phối hợp với Bộ NN - PTNT, GTVT và 13 địa phương ĐBSCL làm việc với 6 nhóm ngân hàng phát triển quan tâm, bao gồm ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á), KEXIM (Ngân hành xuất nhập khẩu Hàn Quốc), AFD (Cơ quan phát triển Pháp), KfW (Ngân hàng Tái thiết Đức), JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) và WB (Ngân hàng Thế giới) thống nhất tài trợ khoảng 2,2 tỉ USD để triển khai 20 dự án liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2025.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh, đầu tư vào vùng ĐBSCL đang ngày càng được quan tâm, và đây là điều hoàn toàn xứng đáng.

Theo Thủ tướng, nếu giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức đầu từ ngân sách Nhà nước đầu tư vào ĐBSCL đạt gần 200.000 tỉ đồng, thì kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, vùng ĐBSCL được đầu tư khoảng 318.000 tỉ đồng. Thủ tướng mong rằng, với sự quan tâm đầu tư như trên sẽ là điều kiện giúp ĐBSCL khắc phục được những yếu kém đang tồn tại để đưa vùng phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Nguyên Việt